Bị hành hung trên đường có được coi là tai nạn lao động?
Trên đường đi làm về, em bị một đôi trai gái đạp ngã xe và xuống hành hung em dẫn đến bị thương và nhập viện.
Ảnh minh họa
Trường hợp này có xem là bị tai nạn lao động không, nếu có thì cần những giấy tờ gì?
Công ty em làm không đồng ý, kêu em khai là do trên đường đi chợ hay đi dâu đó, nói chung là khai không đúng sự thật thì công ty mới chi trả 2 ngày nghỉ bảo hiểm do bác sĩ chỉ định. Như vậy phía công ty làm vậy đúng hay sai?
hành hung, xe máy, tai nạn, lao động.
Luật sư tư vấn:
Điều 142 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.
2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.
3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ.”
Khoản 1 Điều 12 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định:
“2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.”
Như vậy, tai nạn xảy ra trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở chỉ được coi là tai nạn lao động khi xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý. Tai nạn đó phải xảy ra một cách khách quan.
Khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT quy định:
“3. Tai nạn xảy ra khi người lao động tham gia giao thông (trừ các trường hợp xảy ra trên tuyến đường thuộc nội bộ cơ sở) làm chết người hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên thì cơ sở có người bị nạn căn cứ vào hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan Cảnh sát giao thông xử lý vụ tai nạn giao thông đó hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc giấy xác nhận của Công an khu vực tại nơi xảy ra tai nạn để khai báo với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.
Việc khai báo phải thực hiện đúng theo nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều này.”
Như vậy, việc xác định tai nạn lao động căn cứ vào hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan cảnh sát giao thông hoặc xác nhận của chính quyền địa phương, công an khu vực tại nơi xảy ra tai nạn để khai báo với thanh tra Sở Lao động thương binh xã hội.
Nếu được xác định là tai nạn lao động thì trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định tại điều 144 và 145 Bộ luật lao động 2012.
Theo Vietnamnet.vn