1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

BHXH VN: Từ chối thanh toán 35,6 tỉ đồng cho một phòng khám tại Cà Mau

(Dân trí) - Đây là kết luận mới được BHXH VN công bố đầu tháng 8 về số tiền từ hoạt động khám chữa bệnh do Phòng khám đa khoa tư nhân Phương Nam (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thực hiện trong Quý 1/2016. Kết luận này dựa trên kiến nghị và thẩm định của cơ quan BHXH tỉnh Cà Mau.


Ảnh có tính minh họa

Ảnh có tính minh họa

Theo ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, qua kiểm tra cho thấy, trong những tháng đầu năm 2016, số lượt khám BHYT cũng như chi phí BHYT ở Phòng khám Phương Nam có sự gia tăng đột biến.

Chỉ riêng trong chỉ trong tháng 1/2016, Phòng khám Phương Nam đã tiếp nhận trên 37.000 lượt khám bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có hơn 11.000 lượt trẻ đến khám bệnh từ 4 - 9 lần. Nhiều người dân từ Kiên Giang, Bạc Liêu cũng sang tận Phòng khám trên để khám bệnh.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do thực hiện quy định về thông tuyến khám chữa bệnh theo thẻ BHYT ở cấp huyện, việc gia tăng này có một phần do Phòng khám đó là khuyến khích người bệnh đến KCB bằng cách tặng quà.

Đồng thời, Phòng khám Phương Nam đã thực hiện một số dịch vụ như khám bệnh, siêu âm, nội soi tai mũi họng, điều trị răng... tới người bệnh BHYT không đảm bảo chất lượng do không tuân thủ quy trình và thời gian thực hiện, chỉ định rộng rãi sử dụng một số loại thuốc bổ, thuốc hỗ trợ điều trị với giá trị cao đối với một số bệnh nhân.

Ngoài ra, việc thực hiện khám chữa bệnh giáp ranh không đúng thỏa thuận giữa cơ quan BHXH tỉnh - Sở Y tế tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.

BHXH VN yêu cầu BHXH tỉnh Cà Mau rà soát lại toàn bộ thẻ BHYT đã cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi, có các giải pháp để sớm khắc phục tình trạng trẻ em đi khám chữa bệnh không sử dụng thẻ BHYT mà chỉ sử dụng giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh. Đồng thời, BHXH tỉnh Cà Mau tổ chức kiểm điểm về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc kiểm soát chi phí và để xảy ra các sai sót tại Phòng khám Phương Nam.

BHXH VN đã thống nhất với kết quả thẩm định và đề xuất của BHXH tỉnh Cà Mau về việc không thanh toán số tiền 35,6 tỉ đồng từ công tác khám chữa bệnh của phòng khám Phương Nam.

Đồng thời, BHXH VN yêu cầu Phòng khám Phương Nam chấn chỉnh toàn diện công tác khám chữa bệnh theo thẻ BHYT, quán triệt tới toàn bộ nhân viên y tế của Phòng khám về các thiếu sót trong thời gian vừa qua và phương hướng khấc phục trong thời gian tới. Đặc biệt lưu ý đến công tác chuyên môn, cung cấp các dịch vụ y tế đúng quy định, đảm bảo chất lượng.

BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH tỉnh Cà Mau tiếp tục thẩm định việc khám chữa bệnh BHYT của Phòng khám Phương Nam trong quý 2/2016, nếu phát hiện ra sai sót cũng sẽ từ chối thanh toán như đã làm ở quý 1/2016. BHXH tỉnh Cà Mau cũng cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc kiểm soát chi phí để xảy ra sai sót tại Phòng khám Phương Nam trong thời gian qua.

Một nguồn tin từ BHXH VN cho biết, từ 7/8, BHXH VN sẽ có đồng loạt kiểm tra toàn diện công tác khám chữa bệnh BHYT, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Thời gian thẩm định là giai đoạn thực hiện trong 2 năm 2014 và 2015.

Số tiền 35,6 tỉ đồng khám chữa bệnh từ Phòng khám Phương Nam không được BHXH tỉnh Cà Mau thành toán, gồm:

Tiền khám chữa bệnh giáp ranh không đúng quy định: 9,5 tỉ đồng. Cung ứng dịch vụ kỹ thuật quá mức quy định, không đảm bảo chất lượng gần 22,4 tỉ đồng, gồm: Tiền khám là 1,11 tỉ đồng, siêu âm 13,03 tỉ đồng, nội soi tai mũi họng 6,08 tỉ đồng, điều trị răng 2,16 tỉ đồng. Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, cấp thuốc cho các đợt điều trị không phù hợp: 779 triệu đồng. Sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị không cần thiết: 2,98 tỉ đồng.

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

Hà Nội: Mức đăng ký hưởng BHTN tăng gần 30 % so với cùng kỳ năm 2015

Số liệu được Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) công bố trong tháng 6/2016. Theo đó, qua 5 tháng đầu năm 2016, số lượng đăng ký hưởng BHTN đã đạt tới con số 13.748 người.

Theo TT DVVL Hà Nội, kết quả tăng trên là do việc điều chỉnh, thay đổi, chấm dứt chính sách nhân sự của nhiều doanh nghiệp có đông lao động trên địa bàn thành phố. Cụ thể: Số lao động nghỉ việc do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có hơn 5.100 người; hết hạn hợp đồng, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 3.200 người và mất việc làm do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu với gần 3.000 người…Phân tích về ngành nghề, đối tượng lao động có số lượng nghỉ việc cao nhất là nhân viên chuyên môn sơ cấp, nhân viên kỹ thuật làm việc tại văn phòng, bàn giấy với số lượng hơn 6.800 người. Sau đó là đối tượng lao động giản đơn với 5.125 người. Khảo sát của TT DVVL Hà Nội cũng cho thấy, số lượng công nhân kỹ thuật đăng ký thất nghiệp lên hơn tới 3.600 người, số còn lại là lao động có chuyên môn kỹ thuật bậc trung, lao động có chuyên môn kỹ thuật bậc cao và lãnh đạo các ngành, các cấp và các đơn vị.

H.M

Đồng Nai: Gần 15.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo TT DVVL Đồng Nai (Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai), tới thời điểm này đã có gần 15.000 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều đáng nói là tâm lý ngại học nghề đã phát sinh trong nhiều người lao động đăng ký hưởng BHTN.

Về nguyên nhân, khảo sát của TT DVVL Đồng Nai cho thấy, trình độ tay nghề còn thấp của người lao động là nguyên nhân chính khiến không tìm được việc làm ổn định với thu nhập cao. Đa số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Đồng Nai là người chưa qua đào tạo, làm các nghề như may mặc, giày da. Trong số gần 15.000 lao động thất nghiệp, chỉ có 650 người đăng ký học nghề và hơn 400 người thực học, gần 140 lao động chỉ tham gia học nghề được một vài tháng rồi bỏ. Theo nhiều lao động phản ánh, dù được đào tạo nghề nhưng khi vào doanh nghiệp làm việc vẫn nhận lương như lao động chưa học nghề. Ngành học không đa dạng, chưa phù hợp với thực tế, lao động không chắc chắn sau khi học sẽ tìm được việc làm phù hợp. Theo lãnh đạo TT DVVL Đồng Nai đánh giá, tình trạng ít người học nghề là thực trạng chung ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Một trong những nguyên nhân là do số tiền hỗ trợ chưa hấp dẫn, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, thời gian hỗ trợ chỉ tối đa là 6 tháng. Nhiều lao động còn chưa hiểu hết lợi ích của việc học nghề. TT kiến nghị Nhà nước đa dạng ngành nghề dạy và hỗ trợ giúp lao động tìm được việc làm với thu nhập cao hơn khi chưa học nghề.

N.L

Giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư của BHXH Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1277/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Theo đó, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội được trích lại để đầu tư là 1.029,579 tỉ đồng; nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 chưa sử dụng là 148,275 tỉ đồng. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết danh mục dự án và mức vốn kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 của từng dự án. Đồng thời, chủ trì kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2016. Thủ tướng Chính phủ cũng giao BHXH Việt Nam thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 cho từng dự án và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/6/2016.

L.N