Bấp bênh “ngôi sao” đa cấp

“Sau hai năm nỗ lực kinh doanh, toàn bộ tư vấn viên tuyến dưới - tức là nguồn khách hàng mà tôi gầy dựng - đã bị công ty tước đoạt vô cớ”, Như Quỳnh - một tư vấn viên đa cấp - phản ánh như vậy.

Trên tạp chí nội bộ của Oriflame (tên gọi Công ty mỹ phẩm Trường Xuân), Như Quỳnh và Phạm Văn Phương thường nằm trong 10 gương mặt tư vấn viên (TVV) hàng đầu. Thành tích của họ là phát triển hàng ngàn TVV ở khắp các tỉnh thành, thu nhập nhiều tháng đạt 15-20 triệu đồng/tháng/người, là gold director, sapphire director...

Theo họ, để “lên chức” như thế là cả một quá trình phấn đấu cật lực. Vậy mà đoạn cuối của nghề nghiệp này, theo Phương và Quỳnh, đã bị công ty hành xử vô lý: là hai trong số hơn 20 TVV được tặng một chuyến du lịch Sydney năm 2005, mọi thủ tục du lịch đã hoàn tất thì bị cắt mã số kinh doanh, không được thanh toán bất cứ khoản nào của tháng làm việc trước đó với lý do mơ hồ “vi phạm đạo đức” mà không hề có một văn bản thông báo chính thức nào.

Trao đổi với phóng viên, công ty cho biết đúng là công ty đã không thanh toán lương tháng trước cho hai TVV vì “có bằng chứng về việc TVV lôi kéo người từ các nhóm khác”, vi phạm qui định kinh doanh mà TVV đã chấp nhận ký xác nhận trước đó, khi phát hiện công ty sẽ chấm dứt hợp tác ngay lập tức.

TVV Quỳnh và Phương cũng nhận thấy rằng sự ràng buộc trách nhiệm đôi bên rất lỏng lẻo. Giữa công ty và TVV chỉ có một bản đăng ký mã số và bản hợp đồng mua hàng với những điều khoản thuận tiện cho việc... chấm dứt hợp đồng như “nếu vi phạm bất kỳ điều khoản nào trong cẩm nang TVV, kế hoạch thành công, qui tắc đạo đức... công ty sẽ chấm dứt ngay việc đăng ký làm TVV”.

Ngoài ra, cho rằng hai TVV này đã vi phạm tháng trước đó nên công ty này không trả lương nhưng vẫn để Phương, Quỳnh kinh doanh bình thường đến ngày 30/4/2005 và 3/5/2005 rồi thông báo miệng: cắt mã số kinh doanh (?!).

Loại hình kinh doanh đa cấp còn nhiều vấn đề tranh cãi, có cả trường hợp lừa đảo, TVV (tức người bán hàng trực tiếp) cũng không được bảo vệ bằng một hành lang pháp lý mà chính ông Fredrik Widell - giám đốc Oriflame - cũng băn khoăn: “Ở đây chỉ là bản thỏa thuận kinh doanh giữa TVV và công ty. Nhà nước cần đề ra những qui định cụ thể để hạn chế điều không hay cho cả hai bên”.

Trước thực tế sự tồn tại loại hình doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hiện nay, TVV đa cấp đã trở thành nghề thu hút không ít người lao động đô thị. Các “ngôi sao” đa cấp muốn thu nhập cao, khách hàng lớn sẽ “nhắm mắt” làm hoặc thỏa hiệp với chính việc kinh doanh mà mình cũng ít niềm tin; đồng thời dựa vào những yếu tố pháp lý lỏng lẻo, các công ty có quyền gạt người lao động bất cứ khi nào mà không nghe giải thích, đàm phán hay ra văn bản...

 Được biết, nếu TVV có nhu cầu quay lại, theo qui định của Oriflame, phải sáu tháng sau và bắt đầu từ con số không...

Theo Nguyễn Bay
Tuổi Trẻ