1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bấp bênh lao động nhập cư

Thu nhập thấp, điều kiện sống không bảo đảm... là những khó khăn mà lao động nhập cư đang vấp phải

Triển lãm ảnh “Lao động xa nhà: Cuộc sống của tôi - Câu chuyện của tôi” do Trung tâm Phát triển cùng hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và Phát triển cộng đồng tổ chức trong 2 ngày 27 và 28-6 để lại nhiều cung bậc cảm xúc.

Phải tăng ca mới đủ sống

Mỗi bức ảnh là một lát cắt lột tả chân thực nỗi nhọc nhằn, những niềm vui vô cùng giản dị của công nhân (CN) xa quê. Đặc biệt, những câu chuyện gần gũi, chân thật mà CN xa xứ chia sẻ tại tọa đàm “Chuyện người lao động di cư” trong khuôn khổ cuộc triển lãm khiến nhiều đại biểu trăn trở.

Là người đầu tiên chia sẻ về cuộc sống xa quê, anh Đỗ Văn Hùng (quê Vĩnh Phúc), CN của Công ty Xây dựng số 7 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), kể lại hành trình hơn 10 năm vật lộn kiếm sống của mình.

Cuộc sống của hầu hết lao động nhập cư đều khó khăn, chất lượng cuộc sống thấp Ảnh: THANH NGA

Cuộc sống của hầu hết lao động nhập cư đều khó khăn, chất lượng cuộc sống thấp Ảnh: THANH NGA

Khi mới vào TP HCM, anh làm việc ở một công ty cơ khí đóng tại quận 12 với mức lương 750.000 đồng/tháng; công việc rất vất vả, ngày nào cũng tăng ca đến 21-22 giờ. Nhọc nhằn là thế nhưng mức lương ấy không thể bảo đảm cuộc sống nên cuối cùng anh phải bỏ việc và qua các khu vực lân cận tìm việc làm.

Anh đạp xe từ TP HCM đến khắp các KCN ở tỉnh Đồng Nai như Biên Hòa, Bàu Xéo, Hố Nai 1, Hố Nai 2… để tìm kiếm cơ hội. Dù sở hữu tấm bằng trung cấp cơ khí nhưng đi đến đâu, anh cũng chỉ nhận được cái lắc đầu, cuối cùng phải đi làm CN.

Trải qua nhiều công việc ở những công ty khác nhau, anh Hùng nhận xét quy định về mức lương tối thiểu (LTT) hiện nay tạo ra rất nhiều bất cập. Cụ thể như ở khu vực 1, mức LTT hiện là 3,1 triệu đồng/tháng nhưng doanh nghiệp chỉ trả lương cơ bản cho người lao động (NLĐ) ở mức từ 3,2-3,3 triệu đồng/tháng.

Dù tổng phụ cấp hằng tháng từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng nhưng chỉ cần CN nghỉ 1 ngày thì bị trừ tiền không thương tiếc. “Lương không đủ sống nếu chỉ làm 8 giờ/ngày. Vì vậy, để cải thiện thu nhập, NLĐ không có lựa chọn nào khác ngoài tăng ca. Đã thế, nhiều doanh nghiệp còn chèn ép CN đủ kiểu”.

Đồng cảm với suy nghĩ của đồng nghiệp, anh Phan Đức Gia Định - quê ở Lâm Đồng, CN Công ty Quatest 3 (KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai) - cho biết đời sống vật chất lẫn tinh thần của CN nhập cư còn nghèo nàn. Nhiều CN đi làm từ khi gà gáy đến tối mịt mới về. Về đến nhà chỉ mong ngủ chứ không màng chuyện vui chơi, giải trí bởi điều kiện về thu nhập và thời gian không cho phép.

“Dù có tăng lương bao nhiêu lần thì mức sống CN vẫn không khá hơn bởi vật giá, tiền trọ cũng tăng. Có lúc thấy tăng giá nhà trọ vô lý, tôi thắc mắc nhưng chủ nhà trọ trả lời “mày được tăng lương, tao cũng phải tăng tiền nhà trọ”. Đã thế, chúng tôi còn phải trả tiền điện, nước giá cao, ví dụ như tháng này tiền điện tăng hơn gấp đôi, từ 140.000 đồng lên 300.000 đồng” - anh Định bộc bạch.

Thiệt thòi đủ đường

Không riêng gì CN, những lao động ở khu vực phi kết cấu cũng gặp phải vô vàn khó khăn, sống hôm nay không biết đến ngày mai. Chị Nguyễn Thị Kim Loan (quê Bình Phước) - bán hàng rong ở quận 7, TP HCM - là ví dụ.

Chị Loan rời quê đến TP HCM từ lúc còn nhỏ (năm 1997). Ít học, tuổi còn nhỏ, không có vốn nên chẳng mấy chỗ nhận chị vào làm việc. Cuối cùng, chị Loan đi phụ quán cơm nhưng lương quá thấp nên sau này chị chuyển qua bán hàng rong ở quận 7. Chị tâm sự: “Buôn bán lúc đắt lúc ế, được đồng nào hay đồng ấy nên cuộc sống của tôi nhiều lúc thiếu thốn dữ lắm. Đó là chưa kể đến chuyện bị phạt. Chúng tôi không hiểu luật nên có khi bị phạt cũng không biết mức phạt đó đúng hay sai vì có lúc cao, lúc thấp”.

Nhiều năm tiếp xúc và nghiên cứu về cuộc sống của lao động nhập cư, bà Ngô Thị Minh Hương, Giám đốc CDI, nhận định so với lao động là dân địa phương thì lao động nhập cư bị thiệt thòi hơn. Chẳng hạn như giá điện, nước. CN và NLĐ nhập cư ở nhiều khu nhà trọ vẫn phải chịu giá điện, giá nước cao gấp đôi, gấp ba so với quy định.

“Tôi mong muốn chính quyền địa phương có những giải pháp hỗ trợ cụ thể hơn để người thuê trọ không phải chịu thiệt thòi như thế” - bà Hương bày tỏ.

Công đoàn đồng hành. Theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách - Kinh tế - Xã hội và Thi đua Khen thưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc làm, thu nhập, chỗ ở và nơi học hành cho con cái là những khó khăn mà lao động nhập cư đối diện, trong đó khó nhất là tiền lương. San sẻ khó khăn ấy, khi tham gia xây dựng chính sách về tiền lương, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện thu nhập cho NLĐ bởi hiện nay, tiền LTT vẫn chưa theo kịp mức sống tối thiểu. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai chương trình nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể nhằm phát huy vai trò của CĐ cơ sở trong thương lượng, ký kết. Mục tiêu Công đoàn hướng đến là phải ổn định đời sống NLĐ.




Theo Báo Người lao động