Bảo hiểm xã hội VN: Từ chối khoảng 1.100 tỉ đồng khám chữa bệnh BHYT
(Dân trí) - Công bố cuối tháng 3/2017 của Bảo hiểm xã hội VN cho thấy, qua công tác giám định và thẩm định chi phí khám chữa bệnh theo thẻ BHYT, bảo hiểm xã hội các tỉnh thành phố đã từ chối thanh toán ước tính khoảng 1.100 tỷ đồng trong năm 2016.
Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, trong quý I/2017 (đến ngày 16/3/2017), hệ thống đã tiếp nhận 27,3 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT với số tiền 14.000 tỷ đồng từ 12.072/12.490 cơ sở khám chữa bệnh đạt tỷ lệ liên thông dữ liệu 97%.
Tuy nhiên thống kê kết nối theo ngày thì tỷ lệ cơ sở kết nối toàn quốc đạt thấp, chỉ đạt khoảng 60% số cơ sở KCB gửi dữ liệu trong ngày.
Hiện tại, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện việc gửi dữ liệu ngay khi bệnh nhân ra viện, trong gần 3 tháng qua tỷ lệ gửi dữ liệu trong ngày ra viện đạt thấp, khoảng 40%.
Qua triển khai công tác giám định chi phí khám chữa bệnh, BHXH VN còn phát hiện nhiều vướng mắc về cấp giấy phép, phân hạng cơ sở khám chữa bệnh.
Về việc cấp giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ đào tạo. Theo BHXH VN, đơn cử như việc ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh chưa được cấp giấy phép hoạt động. Trước đó, Công văn số 988/BYT-KCB ngày 26/02/2016 của Bộ Y tế đề nghị cơ quan BHXH tiếp tục ký hợp đồng KCB BHYT năm 2016 đối với các cơ sở KCB của Nhà nước chưa được cấp Giấy phép hoạt động hết năm 2016.
Tuy nhiên tới năm 2017, một số địa phương chưa cấp được giấy phép hoạt động cho các cơ sở y tế, trong đó chủ yếu là trạm y tế xã, phòng khám đa khoa, y tế cơ quan, đơn vị trường học...
Về vướng mắc trong xác định phân hạng đối với các cơ sở khám chữa bệnh và chuyển tuyến với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, cơ quan chức năng còn chưa ban hành được Thông tư hướng dẫn xếp hạng đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân; chưa có quy định xếp hạng đối với các bệnh xá quân đội, công an.
Trong khi đó, việc xếp hạng và khám chữa bệnh thông tuyến đối với loại hình bệnh viện đa khoa khu vực còn bất cập.
Giải pháp hạn chế tình trạng lạm dụng khám chữa bệnh BHYT và tăng cường công tác giám định.
Theo ông Phạm Lương Sơn, BHXH VN sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các địa phương đặc biệt là các địa phương có gia tăng chi phí bất thường, tình trạng bội chi nâng cao trách nhiệm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, tăng cường giám định, kiểm tra thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Khẩn trương hoàn thiện việc liên thông, kết nối dữ liệu; phối hợp đồng bộ các danh mục dùng chung, hoàn thiện phần mềm giám định.
BHXH các tỉnh, thành báo cáo lãnh đạo tỉnh tình trạng gia tăng chi phí, mất cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn, kiến nghị, đề xuất các biện pháp kiểm soát chi phí y tế, mở rộng đối tượng tham gia BHYT.
Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành tiếp tục rà soát toàn bộ chi phí đã thanh toán, số liệu cơ sở y tế đề nghị thanh toán, đặc biệt cơ sở y tế có chi phí gia tăng bất thường, thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra.
Tăng cường kiểm tra, giám định điều kiện pháp lý của cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế trong cung cấp dịch vụ y tế như: Giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, đăng ký hành nghề...để đảm bảo dịch vụ được cung cấp đúng quy định.
Hoàng Mạnh
Tin liên quan:
Chế độ bảo hiểm thất nghiệp của người có hợp đồng dưới 3 tháng ra sao?
Bạn Tuấn Phong (Bắc Giang) hỏi: Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ 1/1/2018 người lao động có HĐLĐ từ 1-3 tháng cũng được tham gia BHXH. Vậy chế độ bảo hiểm thất nghiệp với đối tượng này sẽ ra sao?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm ngày 16/11/2013, người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Như vậy, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định nêu trên.
V.H
Có được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp qua bưu điện?
Bạn đọc Ngân Giang (Bắc Ninh): Xin hỏi trước đây, vì công việc nên tôi ở Bắc Ninh, hiện tại tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng vì công việc gia đình, tôi phải về Hải Dương. Vậy hằng tháng tôi phải quay lại Bắc Ninh để thông báo tìm kiếm việc làm và nhận tiền trợ cấp thất nghiệp hay cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ gửi tiền cho tôi?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, bạn có thể đến Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh để làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp về Trung tâm dịch vụ việc làm Hải Dương cho thuận tiện trong việc nhận trợ cấp thất nghiệp và thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng.
M.D