1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bao giờ hết ngại học nghề?

Nhiều học sinh thích học đại học, cao đẳng trong khi bản thân không đủ trình độ, dễ bỏ dở giữa chừng hoặc ra trường không tìm được việc làm

"Có một thực tế là hiện nay, tỉ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng không tìm được việc làm chiếm tỉ lệ rất cao so với người học nghề. Thế nhưng, học sinh đăng ký học nghề lại rất thấp". Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, đã chia sẻ như vậy tại hội thảo về thực trạng dạy và học nghề do Trường Trung cấp Lê Thị Riêng (thuộc Hội LHPN Việt Nam) tổ chức mới đây.

Tâm lý sính đại học

Theo ông Trần Anh Tuấn, hiện đang tồn tại tâm lý bằng mọi giá phải vào đại học, rớt đại học mới xuống học cao đẳng rồi trung cấp nghề. "Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm. Cả 4 cấp học vận hành sơ cấp - trung cấp - cao đẳng - đại học đều có giá trị. Lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay đông, việc làm lại ít nên tính cạnh tranh rất cao. Trong khi thị trường lao động hiện nay lại cần người có tay nghề (kỹ thuật viên) hơn người có bằng cấp" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Học viên theo học nghề tại Trường Trung cấp Lê Thị Riêng
Học viên theo học nghề tại Trường Trung cấp Lê Thị Riêng

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty An Việt Gia (chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình, sửa chữa máy móc), dẫn chứng: "Chúng tôi không cung cấp những người giúp việc mà là những người quản gia. Người quản gia của công ty phải có kiến thức chuyên môn tốt để chăm sóc khách hàng, có đạo đức nghề nghiệp và có kiến thức pháp lý để tự bảo vệ mình khi bị xâm hại về quyền lợi. Họ không chỉ được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm bắt buộc mà còn được công ty mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Thu nhập của quản gia được bảo đảm từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, người lao động có khả năng đáp ứng yêu cầu này lại rất ít".

Theo bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Lê Thị Riêng, rất nhiều học sinh hiện nay thiếu sự hướng nghiệp, thiếu sự lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp với trình độ, khả năng và nguyện vọng. Các em cứ lao vào học đại học, cao đẳng trong khi bản thân không đủ trình độ, dễ bỏ dở giữa chừng hoặc ra trường không tìm được việc làm.

Phải đổi mới để tồn tại

Tại hội thảo, ông Lý Minh Tâm - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang - chia sẻ: "Nghe đến học nghề không chỉ phụ huynh mà những người quản lý cũng có cái nhìn không thiện cảm. Vì vậy khi tiếp xúc với phụ huynh, chúng tôi thường chứng minh mức học phí đại học hiện nay rất cao nhưng khả năng tìm được việc làm lại thấp. Trong khi học nghề, các em được miễn giảm học phí, được giới thiệu việc làm. Nếu muốn nâng cao trình độ thì sau khi đi làm, có tiền lương, các em có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học bằng chính tiền của mình kiếm được, đỡ gánh nặng cho cha mẹ".

Bà Hồ Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kiên Giang, cho biết lao động liên quan đến các nghề du lịch, nhà hàng, khách sạn tại tỉnh rất thiếu. Chẳng hạn huyện đảo Phú Quốc có hơn 300 nhà hàng, khách sạn rất cần lao động của các ngành nghề như chế biến thức ăn, chăm sóc sắc đẹp... Nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động, nhà trường không chỉ chủ động đào tạo mà còn liên kết với các trường có thế mạnh về những nghề này để cung cấp lao động có tay nghề cho thị trường.

"Để đáp ứng nhu cầu thực tế, chúng tôi còn liên thông với các trường đại học để tạo thêm cơ hội nâng cao tay nghề cho các học viên của trường đã đi làm. Các em học rất tốt vì đã có kiến thức thực tế, có kỹ năng nghề nghiệp" - bà Hằng bày tỏ.

Các đại biểu cũng cho rằng muốn đào tạo nghề để cung ứng đúng nhu cầu thị trường đòi hỏi phải khảo sát nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo phải bảo đảm học viên học nghề xong phải có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, làm được việc. Ông Nguyễn Phúc Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Đắk Nông, đề xuất thêm: "Hiện nay có rất nhiều ngành nghề mới phát sinh nhưng các trường vẫn chưa dạy như nghề bán hàng qua mạng hay nghề giúp việc nhà. Những nghề này có nhu cầu rất lớn nhưng cơ sở đào tạo rất ít. Vì thế, các trường, trung tâm phải đưa vào giảng dạy để đáp ứng yêu cầu của thị trường".

Cần nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, thị trường đang cần nguồn nhân lực có chất lượng cao, người lao động có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm. Rất nhiều người đã tốt nghiệp đại học vẫn phải học thêm các khóa nghề ngắn hạn như kế toán, công nghệ thông tin, thiết kế, kinh doanh… để bổ sung cho nhu cầu công việc. Ngoài ra hiện nay, không còn phân biệt nghề dành cho nam hoặc cho nữ. Các nghề như nấu ăn, làm tóc, thiết kế thời trang… có rất nhiều nam theo học và rất thành công. Ngược lại, các nghề như công nghệ thông tin, cơ khí… cũng đã thu hút rất đông lao động nữ.

Theo Ngân Hà/Báo Người lao động