1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Bàn phương án tạo công ăn việc làm cho người dân về quê tránh dịch

Công Bính

(Dân trí) - Tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị kế hoạch để tạo công ăn việc làm cho những lao động ở TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Khi được Tỉnh ủy, UBND thông qua, kế hoạch sẽ được ban hành.

Ngày 26/8, trao đổi với PV Dân trí, đại diện lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty tuyển dụng lao động mới, nhất là những lao động từ TPHCM hay các tỉnh phía Nam trở về.

Bàn phương án tạo công ăn việc làm cho người dân về quê tránh dịch - 1

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam, hiện có nhiều công ty trên địa bàn cần tuyển trên 2.000 công nhân, nhất là những công nhân từ vùng dịch trở về quê (Ảnh minh họa).

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam, hiện có Công ty Fashion Garment, Công ty Panko, Công ty thép Hòa Phát Dung Quất ở Quảng Ngãi, Công ty CP ô tô Trường Hải đang cần tuyển trên 2.000 lao động. Các vị trí tuyển dụng: Công nhân may, công nhân cơ khí, lao động phổ thông. Mức lương của các công ty tự thỏa thuận với người lao động. 

Bàn phương án tạo công ăn việc làm cho người dân về quê tránh dịch - 2

Tỉnh Quảng Nam đang lên phương án tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho người lao động về quê tránh dịch (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - thông tin: "Sở cũng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh bàn về tình hình thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và tạo sinh kế, công ăn việc làm đối với những lao động từ vùng dịch về quê".

Đây là chủ trương lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở LĐ-TB&XH triển khai khảo sát nhu cầu việc làm của những lao động này.

Ông Nguyễn Quí Quý cho biết: "Rất nhiều lao động về quê trong dịp này hầu hết đã có việc làm ở TPHCM. Họ về quê để tránh dịch bệnh, sau khi hết dịch, họ sẽ vào lại TPHCM để tiếp tục làm việc".

Tuy nhiên, trong đó cũng có nhiều người ở lại, vì thế Sở cũng sẽ tham mưu tỉnh chỉ đạo các địa phương tiến hành khảo sát. Nếu người về quê có nhu cầu thực sự thì tỉnh có thể sẽ ban hành một cơ chế chính sách riêng; hoặc lồng ghép vào những cơ chế chính sách đã có để thực hiện công tác đào tạo.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, khoảng 3.000 lao động về từ TPHCM và các tỉnh phía Nam có nhu cầu kiếm việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề; do đó ngành lao động của tỉnh kết nối giải quyết việc làm, giới thiệu việc làm cho lao động đã có nghề, hỗ trợ đào tạo cho người chưa có nghề, người tự tạo việc làm được thì giúp vay vốn để phát triển sản xuất…