Bạn muốn trở thành nhân viên bán hàng?

(Dân trí) - Người tìm việc thường nghĩ nhân viên bán hàng là một nghề dễ xin việc và không đòi hỏi nhiều bằng cấp. Thật ra, nghề này lúc nào cũng rất “thịnh” và nhiều đối thủ cạnh tranh.

Để qua được vòng ứng tuyển vào vị trí bán hàng, bạn có thể làm theo những bước sau:

 

Tìm hiểu công ty và đối thủ cạnh tranh của công ty

 

Tìm hiểu về công ty là chìa khoá quan trọng nhất để bạn thi tuyển vào bất kỳ vị trí. Tuy nhiên, nếu dự tuyển vào vị trí nhân viên bán hàng, bạn nên tập trung tìm hiểu kỹ những yếu tố sau đây:

 

- Sản phẩm: Tốt nhất là bạn nên biết hết tên các sản phẩm của công ty. Vì trong cuộc phỏng vấn tuyển nhân viên bán hàng, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra xem bạn có biết là mình sẽ bán hàng gì nếu được tuyển dụng. Ngoài ra, bạn nên trang bị cho mình một số điểm phù hợp với sản phẩm. Chẳng hạn bán điện thoại di động thì cần ngoại hình, bán máy tính thì cần kỹ năng thao tác vi tính, bán mỹ phẩm cần làn da đẹp,…

 

- Giá của sản phẩm: Giá cả liên quan trực tiếp đến chỗ đứng của sản phẩm cũng như của công ty trên thị trường.

 

- Phân phối, khuyến mãi: Sản phẩm được phân phối rộng khắp trong cả nước hay chỉ ở trong khu vực nào đó. Tìm hiểu điều này giúp bạn định hướng được địa điểm bạn sẽ đến làm việc hoặc địa điểm bạn sẽ thường xuyên phải đi công tác. Tìm hiểu các chiêu khuyến mãi sản phẩm để biết độ phát triển của công ty.

 

- Đội ngũ nhân viên: Đội ngũ nhân viên hiện tại của Công ty hùng mạnh hay lẻ tẻ? Nếu đội ngũ này đang  thiếu, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội thể hiện mình nếu được tuyển dụng.

 

Am hiểu về khách hàng của công ty

 

Nhà tuyển dụng sẽ rất dễ chịu nếu thấy bạn là người am hiểu khách hàng của công ty, cụ thể hơn là sở thích, nhu cầu cũng như nhược điểm của họ. Lãnh đạo công ty sẽ rất yên tâm khi giao việc bán hàng cho một nhân viên hiểu biết về khách hàng như bạn.

 

Chứng tỏ mình là người nhiệt tình và năng động

 

Hãy rỏ rõ sự nhiệt tình, năng động của mình bằng việc thể hiện  cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn không ngại đi sớm về muộn, đi công tác xa hay làm việc vào ngày nghỉ...

 

Có kỹ năng nghe và nói

 

Người bán hàng là kênh giao tiếp chủ yếu của công ty và khách hàng. Người bán hàng phải thuần thục kỹ năng này vì họ là người đại diện cho công ty liên hệ với khách hàng. Và tất nhiên, doanh thu của công ty phụ thuộc nhiều vào kỹ năng nghe, nói của nhân viên bán hàng đấy.

 

Trong cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ có thể đưa ra những tình huống mà nhân viên bán hàng phải giải quyết, qua đó đánh giá khả năng lắng nghe và thuyết phục khách hàng của bạn.

 

Trung thực, tận tuỵ

 

Trung thực là đức tính quan trọng nhất của một nhân viên bán hàng. Nếu bạn có đủ các kĩ năng cần thiết khác mà có biểu hiện không trung thực thì mất điểm là điều chắc chắn. Người phỏng vấn sẽ kiểm tra tính trung thực của bạn qua những câu phỏng vấn về kinh nghiệm công tác, về sếp cũ của bạn, thậm chí qua trình độ học vấn của bạn nữa.

 

Bạn đã sẵn sàng tham gia cuộc phỏng vấn vào vị trí nhân viên bán hàng chưa? Hãy bắt đầu đi thôi.

 

Thuỳ Trang