1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bán "ký ức tuổi thơ" qua tiếng leng keng giữa lòng Sài Gòn

Hoài Nam Nam Thái Ảnh, clip: Nam Thái

(Dân trí) - Giữa Sài Gòn nhộn nhịp, chiếc xe đạp bán kem đã giúp bác Ngai phần nào trang trải cuộc sống. Tiếng chuông, những vòng bánh xe và que kem còn giúp khách hàng gợi nhớ về một phần của "ký ức tuổi thơ".

Bán kem dạo... cho cả giám đốc, bà chủ

Giờ trưa, khi nhân viên khu vực Phan Xích Long, Miếu Nổi - nơi tập trung cao ốc, văn phòng, quán ăn, cà phê sôi động bậc nhất ở TPHCM - nghỉ giữa buổi cũng là lúc ông Bùi Văn Ngai chở chiếc xe bán kem của đến địa điểm này. 

Ông Bùi Văn Ngai bán "ký ức tuổi thơ" giữa Sài Gòn

Khách mua kem của bác, hầu hết là người lớn, từ nhân viên bán hàng, dân công sở, cho đến cả giám đốc, bà chủ. Ngồi ở quán cà phê, nhà hàng, nghe tiếng chuông xe kem, nhiều người vẫn tay gọi. 

Thường khách ngồi theo nhóm, nghe tiếng chuông gõ kem, họ hỏi nhau "Kem nha?" rồi mua cho cả nhóm ngồi nhâm nhi thưởng thức. 

Bán ký ức tuổi thơ qua tiếng leng keng giữa lòng Sài Gòn - 1

Mua kem nhưng với nhiều người không phải để ăn kem mà vì... muốn thấy lại ký ức tuổi thơ qua chiếc xe kem, qua những chiếc kem que. Hay đơn giản, có người muốn ủng hộ bác bán kem. 

Bán ký ức tuổi thơ qua tiếng leng keng giữa lòng Sài Gòn - 2

Nhiều người mua kem que để tìm lại ký ức tuổi thơ 

Quê ông Ngai ở Bến Tre, ông lên TPHCM từ năm 1990. Mới đầu, ông đi bốc vác, phụ hồ kiếm sống. Một lần phụ hồ cạnh nhà một người làm kem, có người rủ đi bán kem đi, có người quen cho mượn chiếc xe đạp... 

Ông theo công việc này 30 năm nay,  gom góp từ những đồng tiền lẻ nuôi con các con trưởng thành.

Bán ký ức tuổi thơ qua tiếng leng keng giữa lòng Sài Gòn - 3

Loại kem ông bán là kem que dạng ống truyền thống, có hai vị sữa và đậu đen.

"Cả Sài Gòn chỉ còn hai người, tôi và một ông nữa bán dạo loại kem đúng vị ngày trước này thôi. Nên nhiều khách quen, người ta ăn thấy được vị tuổi thơ trong đó", ông Bùi Văn Ngai khẳng định.

Nhiều người từ thời ông theo công việc này, đã nghỉ hết. Vì bây giờ mọi người ít ăn kem que bán dạo, đủ loại kem bán khắp nơi ở các tiệm tạp hóa, siêu thị, hàng quán. 

Bán ký ức tuổi thơ qua tiếng leng keng giữa lòng Sài Gòn - 4

Ông Ngai rong ruổi khắp các con phố

Ông Ngai không đến công viên, cổng trường để bán cho trẻ nhỏ. Ông chọn khu vực văn phòng, đông nhân viên, hướng đến đối tượng khách hàng là người lớn, những người muốn tìm ký ức tuổi thơ ngày bé quen thuộc với xem kem.  

Có ngày mất lãi, có khi được cả tình người 

Đạp xe đi dạo khắp các ngóc ngách suốt 3 thập kỷ, ông Bùi Văn Ngại trải qua nhiều thay đổi của đời sống xã hội, của phố phường... 

Điều rõ nhất ông thấy sự trượt giá của đồng tiền qua những que kem. Ông bán từ lúc que kem chỉ 200 đồng, giờ cũng que kem đó giá là 10.000 đồng, gấp đến 50 lần. 

Bán ký ức tuổi thơ qua tiếng leng keng giữa lòng Sài Gòn - 5
Bán ký ức tuổi thơ qua tiếng leng keng giữa lòng Sài Gòn - 6

Mỗi ống kem dài thế này, được cắt đôi, cắm que vào 

"Bây giờ mỗi ngày tôi bán được tầm 100 - 150 que kem, lãi 200.000 - 300.000 đồng. Tính ra lãi hơn trước nhiều nhưng thu nhập lại giảm vì chi phí đắt đỏ hơn", ông bộc bạch. 

Qua xe kem của mình, ông cũng trải nghiệm nhiều chuyện về tình người với người. 

Ông Ngai chưa bao giờ từ chối bán thiếu cho bất kỳ ai. Ai mua mà thiếu tiền hay quên mang theo tiền, cứ cầm kem. Có người không gặp lại nhưng có người, có khi gặp trên đường, họ vẫy lại gửi ông tiền. 

Bán ký ức tuổi thơ qua tiếng leng keng giữa lòng Sài Gòn - 7

Không ít lần ông gặp nhiều thanh niên bặm rợn, hoặc bọn "xì ke", gọi hàng chục cái kem nhưng không trả tiền. Có người ăn xong nói tỉnh bơ: "Con nợ nha bố!". Ngày đó xem như mất lãi. 

Nhưng đổi lại, nhiều hôm mưa gió, nhiều người ủng hộ cho ông hết thùng kem. để còn sớm về nhà. Có người mua để phát cho mọi người xung quanh hoặc mua bỏ tủ lạnh ăn dần.

Có khi trên đường đi bán, gặp nhiều nhiều đứa nhỏ, hay các bác lớn tuổi, ông dừng xe lại mời vài que kem. 

Bán ký ức tuổi thơ qua tiếng leng keng giữa lòng Sài Gòn - 8

Rong ruổi hàng thập kỷ bán kem dạo, ông Ngai cho hay, công việc này không giàu nhưng cũng không thiếu những niềm vui 

Mỗi que kem, mỗi tiếng chuông, vòng xe lăn bánh là sự gắn kết, kết nối giữa người và người, giữa thôn quê và phố thị, giữa hiện tại và ký ức.

Ông Ngai đưa tay chỉnh cái mắt kính, che con mắt bên phải ông bị mù trong một lần bị tai nạn, cười hiền lành: Khi nào tôi còn sức, tôi còn đi bán kem. Nghề không giàu nhưng không thiếu những niềm vui.