Bài học khởi nghiệp độc đáo từ Stephen King

Trước khi là một tác giả truyện kinh dị nổi tiếng, Stephen King từng là một doanh nhân trẻ với những bài học khởi nghiệp độc đáo.

Bài học khởi nghiệp độc đáo từ Stephen King - 1

Tác giả từng bán được 350 triệu quyển sách đã có một mô hình kinh doanh mới lạ từ khi còn là sinh viên, nhằm có tiền trả học phí.

Tận dụng năng lực viết của mình, Stephen nhận viết thuê luận văn cho sinh viên, với giá 20 USD nếu bài đạt loại A hoặc 10 USD nếu đạt loại B, và nếu bài viết chỉ đạt loại C, ông không nhận tiền của “khách”.

Đồng thời, Stephen còn có một cam kết về chất lượng “sản phẩm” rằng sẽ bồi thường cho “khách hàng” 20 USD nếu bài luận không đạt được loại C. King tự tin: “Tôi chắc chắn không bao giờ phải trả lại tiền, bởi vì tôi không thể có khả năng làm một bài luận văn tệ như vậy”.

Doanh nhân John Greathousre – người được làm việc với nhiều startup tài năng, cho rằng câu chuyện “kinh doanh” của Stephen King chứa đựng bài học khởi nghiệp quan trọng - mô hình kinh doanh “chia sẻ thành công” có thể áp dụng với khách hàng và với chính nhân viên của một startup.

Từ câu chuyện của Stephen King, John Greathousre xây dựng một mô hình kinh doanh dịch vụ doanh nghiệp mà ở đó, nếu ông không mang đến lợi nhuận cho khách hàng, ông cũng không nhận được tiền. Dưới đây là chia sẻ của ông trên Forbes:

Doanh nhân John Greathousre Mô hình “chia sẻ thành công”

Tại công ty RevUpNet (một công ty tiếp thị trực tuyến mà John là đồng sáng lập và sau đó đã bán cho Coull - người dịch), chúng tôi đã hợp tác với khách hàng và cùng chia sẻ với họ doanh thu mà chúng tôi giúp họ tìm ra.

Doanh nhân John Greathousre
Doanh nhân John Greathousre

Đây là lời chào mời hợp tác của RevUpNet: “Chúng tôi sẵn sàng đầu tư thời gian và nguồn lực khan hiếm vào công ty của bạn bởi vì chúng tôi tin rằng có thể giúp bạn khai thác những nguồn doanh thu mà bạn đã bỏ lỡ. Nếu thất bại, chúng ta không có gì để mất. Nhưng nếu thành công, chúng ta sẽ được trả công xứng đáng. Khi nào chúng ta bắt đầu?”.

Để tăng thêm tính thuyết phục, chúng tôi cung cấp đầy đủ các quan hệ đối tác cho khách hàng và tính phí trong vài tháng cho sự “kết duyên” này.

Chi phí vào khoảng vài ngàn USD và sẽ tăng thêm khi chúng tôi bắt đầu tạo ra doanh thu cho khách hàng. Trong những trường hợp ít ỏi không mang đến đủ doanh thu mong ước, chúng tôi cũng sẽ tạo được mức lợi nhuận tối thiểu cao hơn mức chi phí họ phải trả cho chúng tôi.

Mô hình kinh doanh này đã giúp chúng tôi đạt doanh số 100 triệu USD khi hợp tác với các công ty như Angie’s List, Sonos, eFax, Stamps.com, Picassa và Green Border (đã được Google thâu tóm).

Chúng tôi áp dụng nguyên tắc chia sẻ thành công với các nhân viên. Họ nhận mức lương cơ bản – khá ít so với những công ty khác. Thế nhưng, chúng tôi có những khoản thưởng cho hiệu suất làm việc dựa trên doanh thu của công ty. Điều này cho phép những nhân viên giỏi nhất có thể kiếm được hơn 100.000 USD/năm.

Kết quả là yếu tố sống còn

Với mô hình kinh doanh này, khách hàng nhận thấy lợi ích của họ cũng là lợi ích của chúng tôi. Vì thế, họ sẵn sàng trả tiền cho chúng tôi để giúp họ tăng lợi nhuận, doanh số. Đó là một lời đề nghị hợp tác ít rủi ro dành cho khách hàng và giúp startup của bạn tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Điểm khác biệt của doanh nhân startup với một chính trị gia là thước đo đánh giá sự thành công. Các chính phủ thường thông báo cho công dân của họ số lượng những nhiệm vụ quân sự như: Các chuyến bay tuần tra, số tiền đổ vào đánh ISIS… mà không cần báo cáo kết quả. Bởi với lĩnh vực của họ, sự “cố gắng” đã là thành công.

Thế nhưng, một startup thành công cần đạt tốc độ tăng trưởng nhanh. Nghĩa là bạn phải tìm kiếm được thị trường, khách hàng, tạo ra doanh thu, lợi nhuận. Bạn không thể chỉ cố gắng và càng không thể nhầm lẫn giữa hành động và kết quả. Bởi điều đó là sự đảm bảo cho một cái chết được báo trước.

Mảng dịch vụ doanh nghiệp thường khó khăn để chào bán với giá cao cho đến khi bạn cho khách hàng thấy mô hình kinh doanh này có thể giúp họ tăng lợi nhuận mạnh mẽ như thế nào. Startup có thể sử dụng mô hình chia sẻ thành công, tất cả mọi người cùng có lợi mà Stephen King từng áp dụng để tìm kiếm khách hàng và “đầu ra” cho sản phẩm của bạn. Vấn đề là, bạn có đủ tự tin vào sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp sẽ đem lại lợi nhuận cho bạn và khách hàng.

“Hãy tin vào chính mình! Có niềm tin vào khả năng của bạn! Nếu không có một sự tự tin cũng như sự khiêm tốn đúng mực, bạn không thể thành công hay hạnh phúc”, tác giả người Mỹ - Norman Vincent Peale đã viết. Và nếu bạn không tin vào chính khả năng của mình thì tại sao khách hàng phải tin bạn?

Theo Doanh nhân Sài gòn