1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bài 2: “Nút thắt” nào trong xuất khẩu lao động ở Bạc Liêu

(Dân trí) - "Việc chưa nắm đánh giá đúng và về lực lượng lao động thì khó có thể làm công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động. Không phải lao động nào trong độ tuổi thì ai cũng đi được".

Ông Vương Phương Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đánh giá về những khó khan cũng như điểm “nút thắt” trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

“Trong cuộc sống hiện nay, việc đi nước ngoài không còn quá xa xôi, mình đi xuất khẩu lao động có việc làm, ổn định cuộc sống. Việc này chúng ta phải tự chủ, hòa nhập vào cả thế giới chứ không nên mãi duy trì tư duy tìm việc xung quanh làng, xóm nữa”, ông Nam nói.

Bài 2: “Nút thắt” nào trong xuất khẩu lao động ở Bạc Liêu - 1

Tỉnh Bạc Liêu vừa qua đã tổ chức hội nghị chuyên đề về xuất khẩu lao động.

Xác định rõ đối tượng

Phó Chủ tịch Bạc Liêu đánh giá, công tác XKLĐ của tỉnh Bạc Liêu vừa qua vẫn còn những “nút thắt”, bất cập, cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị,… để tháo gỡ.

Trong công tác tuyên truyền XKLĐ, ông Vương Phương Nam chỉ rõ, việc nhiều địa phương chưa nắm được lực lượng lao động thì khó mà làm công tác này.

Khi có lực lượng lao động, từng địa phương phối hợp với đơn vị hợp tác xuất khẩu phân luồng, chứ không phải lao động nào trong độ tuổi thì ai cũng đi được.

“Trong độ tuổi từ 18-30 đối với nữ thì như thế nào? từ 18-35 tuổi đối với nam thì ra sao? phải nắm lại hết?. Nắm rõ lực lượng rồi thì mới hình thành kế hoạch tuyên truyền XKLĐ cụ thể, ví như đánh trận mà chưa có quân thì làm sao tiêu diệt được đồn, bót”, ông Nam nói.

Phó Chủ tịch Bạc Liêu phân tích, với lực lượng lao động thuần túy thì xem học vấn đến đâu. Nếu lao động chỉ lớp 6, lớp 7 thì không thể đi học tiếng Nhật, tiếng Hàn để xuất khẩu. Từ đó, cơ quan chức năng cần xem lực lượng này có thể làm gì để giới thiệu việc làm trong tỉnh, trong nước...

“Lực lượng lao động có trình độ tốt nghiệp THPT cụ thể bao nhiêu, hiện nay như thế nào, có cần đi hay không. Rồi lực lượng có tay nghề như cao đẳng, đại học, y tá, điều dưỡng,… có nhu cầu hay không. Nắm được lực lượng thì mới phối hợp được, nếu chưa nắm mà bỏ công không lội đi tuyên truyền thì đâu có trọng tâm”, ông Nam lưu ý.

Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu gợi ý, khi tư vấn giới thiệu cần nói rõ, so sánh giữa 2 con đường XKLĐ, đi theo hợp đồng với chương trình học tập, quyền lợi ra sao, thời gian và rủi ro thế nào,...

“Nói rõ để anh em mới nhìn ra được. Chứ để bà con người dân cứ nghĩ sao ông kia mới đi 3 tháng xuất khẩu lao động mà đã gửi tiền về, còn ông nọ học cả năm rồi tốn tiền quá mà chưa đi được, nên kêu về đi theo con đường khác”, ông Nam nêu thực trạng.

Bài 2: “Nút thắt” nào trong xuất khẩu lao động ở Bạc Liêu - 2

Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bạc Liêu- đầu mối trong việc đưa người đi XKLĐ của tỉnh.

Nguồn lực ra sao?

Đánh giá về nguồn lực dành cho XKLĐ, theo Phó Chủ tịch Bạc Liêu, phải tính toán kỹ một lao động nếu đi Hàn, đi Nhật,… cần bao nhiêu tiền. Có tỉnh khác ủy thác qua ngân hàng hàng trăm tỷ đồng để cho xuất khẩu lao động, còn Bạc Liêu một năm chỉ có 10 tỷ đồng ủy thác là rất ít.

Theo ông Vương Phương Nam, không có đủ nguồn lực thì phải tính, như vận động gia đình khá giả bỏ ra vay ngân hàng thế nào, chính sách hỗ trợ của tỉnh ra sao?

Với số tiền hỗ trợ đào tạo 13,9 triệu đồng/người, lao động đi XKLĐ phải có hộ chiếu, xuất cảnh, lên máy bay, qua tới bên đó báo về mới được nhận số tiền này thì rất khó.

“Người ta nhiệt huyết đi nhưng gia đình khó khăn thì địa phương phải làm thế nào. Cái này có nhiều biện pháp làm như vận động các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ, hay họp HĐND hàng năm dành ra bao nhiêu để lo cho được việc này.

Nếu nhà có một lao động chính mà đi nhưng do gia đình khó khăn, đi qua đó mới có tiền lương gửi về thì trong thời gian học tập và đi, mình phải tính hỗ trợ cho họ cái gì nữa, phải chung tay đến mức độ đó thì mới thoát nghèo bền vững”, ông Nam đề nghị các sở, ngành, địa phương suy nghĩ để tháo gỡ nút thắt.

Phó Chủ tịch Vương Phương Nam cho rằng, việc đào tạo ngoại ngữ là yếu tố rất quan trọng. Công tác đào tạo nếu xảy ra tình trạng dàn trải, lan man sẽ làm tốn thời gian, chi phí, vừa không hiệu quả. Do đó, những đơn vị đứng ra hợp tác đưa người đi XKLĐ, nếu như có tư tưởng kinh doanh mà bỏ qua việc đào tạo ngoại ngữ thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Cho nên chúng tôi mong muốn và tin tưởng các đơn vị sẽ quyết liệt, khi đào tạo phải nhiệt tình, nhiệt tâm, chọn thầy cô có chất lượng, để làm sao cho người học dễ dàng tiếp thu, rút ngắn thời gian thì mới hoàn thành nhiệm vụ”, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu- ông Vương Phương Nam yêu cầu rõ.

Huỳnh Hải