Bạc Liêu: Giảm nghèo cần chú trọng đào tạo nghề cho người dân

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, tỉnh Bạc Liêu thực hiện việc phân công cán bộ, đảng viên “kèm” hộ nghèo để triển khai chính sách giảm nghèo là một cách làm hay.

Bộ trưởng Lao động nói về giảm nghèo và người có công ở Bạc Liêu.

Tại buổi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH chiều 23/4, ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, mặc dù tỉnh có nhiều chủ trương, nhưng do nguồn lực có hạn nên việc đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản, trang thiết bị thực hành chưa được đầu tư xứng đáng, đồng bộ, công nghệ lạc hậu. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Trong công tác XKLĐ, theo Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, số lượng lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài tại Trung tâm Dịch vụ việc làm hàng tháng rất ít, không tập trung nên việc ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo hoặc doanh nghiệp dịch vụ rất khó khăn.

Trong năm 2018, tỉnh đã đưa 339 lao động tham gia XKLĐ, riêng quý I/2019 đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 47 lao động (đang chờ xuất cảnh là 39 lao động).

Theo Phó Chủ tịch Vương Phương Nam, công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được tỉnh quan tâm. Trong năm, đã giải quyết hơn 2.000 hồ sơ cho đối tượng người có công, trợ cấp trên 12.500 người với số tiền trên 184 tỷ đồng; cấp 28.770 bảo hiểm y tế; xây dựng, sửa chữa hơn 4.000 căn nhà tình nghĩa cho người có công gặp khó khăn về nhà ở;…

Trong công tác giảm nghèo, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh đã tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện sống tốt nhất cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh giảm 8.653 hộ nghèo, số hộ nghèo còn lại 8.818 hộ (4,3%), hộ cận nghèo còn lại là 11.458 hộ (5,58%).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, một trong những biện pháp mà tỉnh đã và đang thực hiện đối với hộ nghèo là phân công (đảng viên) các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện giúp đỡ hộ nghèo.

Bạc Liêu: Giảm nghèo cần chú trọng đào tạo nghề cho người dân - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung xem các học viên học nghề.

Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh văn phòng giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2018, cả tỉnh Bạc Liêu chỉ có 13 hộ tái nghèo, có 242 phát sinh nghèo, có 129 hộ người có công thuộc hộ nghèo.

“Năm 2017, Bạc Liêu là một trong 3 tỉnh nghèo nhất ở ĐBSCL, chỉ đứng trên Trà Vinh và Sóc Trăng. Đến năm 2018, Bạc Liêu đứng thứ 5, trên cả Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Trong năm 2018, có 8.853 hộ thoát nghèo, có 3.534 rơi vào hộ cận nghèo, còn lại đa phần vượt ra khỏi hộ cận nghèo. Điều này chứng tỏ sự chỉ đạo của các cấp các ngành trong việc thực hiện giải pháp giảm nghèo của tỉnh rất hiệu quả”, ông Thi đánh giá.

Bạc Liêu: Giảm nghèo cần chú trọng đào tạo nghề cho người dân - 2

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao công tác giảm nghèo của tỉnh Bạc Liêu.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho đánh giá cao kết quả giảm nghèo của tỉnh Bạc Liêu khi cuối năm 2018 giảm trên 4,12%, gấp đôi chỉ tiêu đề ra, đây được xem là một “điểm sáng” so với trong vùng.

“Đáng chú ý, khi giảm nghèo, thông thường từ nghèo sang cận nghèo, còn ở đây thì nhảy vọt từ nghèo đến thoát nghèo. Đặc biệt, Bạc Liêu phân công cán bộ, đảng viên kèm người nghèo, tôi cho là một bài học rất tốt”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, trong giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới cần chú trọng gắn với đào tạo nghề. “Không thể không đào tạo nghề, cùng với đó là sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho chặt chẽ hơn nhưng phải cân nhắc, không nên ồ ạt”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu.

Với công tác người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung rất hoan nghênh tỉnh Bạc Liêu 2 năm qua giải quyết trên 2.000 trường hợp chính sách. Qua báo cáo, cơ bản tỉnh không còn hồ sơ chính sách tồn đọng.

“Nếu hết hồ sơ tồn đọng thì tỉnh nên đăng phát trên các phương tiện thông tin, nếu ai còn hồ sơ tồn đọng thì gửi cơ quan chức năng xử lý. Sau một thời gian công bố nhất định thì chấm dứt. Đến lúc đó, Bạc Liêu có thể công bố trước cả nước là một trong những địa phương đi đầu chấm dứt được việc không còn hồ sơ tồn đọng”, Bộ trưởng Dung gợi ý.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đến thăm, làm việc tại Thánh thất Ngọc Minh (còn gọi là Thánh Thất Giồng Bốm, thuộc xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai). 

Bạc Liêu: Giảm nghèo cần chú trọng đào tạo nghề cho người dân - 3

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm Thánh thất Giồng Bốm ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH được nghe giới thiệu khái quát quá trình hình thành, diễn biến trận đánh Giồng Bốm năm 1946.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là một trong những trận đánh lớn ở miền Tây thời kỳ đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp; là minh chứng rất rõ về lòng quả cảm, niềm tự hào của các tín đồ Cao Đài trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương.

Đối với kiến nghị công nhận hơn 50 liệt sĩ còn lại trong tổng số 137 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh Giồng Bốm, Bộ sẽ xem xét giải quyết sớm trên tinh thần công khai, đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Huỳnh Hải