1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bà mẹ đi làm: Cân bằng ra sao giữa sự nghiệp và hạnh phúc?

Khái niệm “Bà mẹ đi làm - working mom” vốn không xa lạ với phụ nữ Việt Nam, nhất là ở thành thị. Tuy nhiên, “working mom” thời hiện đại có những nét rất riêng trong điều kiện áp lực cuộc sống hiện nay.

Đề tài bà mẹ đi làm - working mom đang là một chủ đề được bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigos Search, chia sẻ với nhiều bạn nữ mới sinh con hoặc có con nhỏ nhưng đã tham gia công việc thời gian qua tại VN. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phương Mai.

Thưa bà, xã hội Châu Á nói chung và VN nói riêng vẫn cho rằng, người phụ nữ nuôi con nhỏ chỉ nên gắn bó với gia đình. Vậy, quan điểm của bà về người phụ nữ nuôi con có thể gắn với công việc dựa trên những yếu tố nào?

- Phụ nữ có thiên chức nuôi con nhỏ và nên gắn bó với gia đình. Điều này hoàn toàn đúng với trẻ nhỏ ở độ tuổi nuôi bằng sữa mẹ.

Ngoài giai đoạn chăm sóc trên, người mẹ cũng cần các hoạt động khác, như hoạt động xã hội và công việc. Trừ một số nghề độc hại, tôi cho rằng thiên chức nuôi con và đảm nhận một công việc văn phòng không có gì là mâu thuẫn hay loại trừ lẫn nhau.

Bà mẹ đi làm: Cân bằng ra sao giữa sự nghiệp và hạnh phúc? - 1

Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigos Search.

Tạm chưa bàn tới áp lực thu nhập, chừng nào phụ nữ còn tìm thấy trong công việc giá trị và cơ hội phát triển bản thân cô ấy thì cô ấy nên đi làm.

Ngoài ra, người phụ nữ cũng cần xác định được mục tiêu công việc, cân đối các khoảng thời gian dành cho công việc, gia đình và chăm sóc chính bản thân mình.

Thưa bà, một trong nhiều câu hỏi phổ biến mà nhiều bà mẹ đi làm thường nhận được khi chia sẻ ý định trở lại sự nghiệp là: Bạn sẽ có được gì khi đi làm?

- Câu hỏi này không chỉ dành riêng cho phụ nữ có con nhỏ. Tất cả phụ nữ khi chọn một công việc, đều có thể trả lời được câu hỏi mình sẽ làm được gì.

Tôi nghĩ rằng, điều được phụ nữ băn khoăn sẽ là: Bạn sẽ phải đánh đổi/“mất” gì khi đi làm?. Chắc rằng, một người phụ nữ giải quyết được những mối lo lắng liên quan đến người chăm sóc con nhỏ, giúp đỡ việc nhà, sự hỗ trợ của bạn đời khi con ốm đau… sẽ thì sẽ không còn gì ngăn cản cô ấy theo đuổi một công việc yêu thích.

Và nếu bạn còn băn khoăn, tôi muốn đặt thêm một câu hỏi nữa để bạn suy nghĩ: “Bạn sẽ được gì khi không đi làm?”

Đứng từ góc độ tư vấn về tuyển dụng nhân sự, việc đi làm của working mom có gặp những khó khăn gì không khi quay trở lại với công việc sau khi sinh con?

- Thời gian đầu trở lại với công việc chắc chắn phụ nữ phải nỗ lực rất nhiều. Yêu cầu đầu tiên là cập nhật thông tin, bắt nhịp với công việc.

Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế các bà mẹ thường có những thay đổi nhất định về tâm lý. Hội chứng “cuồng con” là biểu hiện rất dễ thấy. Cô ấy có thể nghĩ về con, nói về con, xem ảnh con… suốt ngày.

Có nên giới hạn việc làm của working mom trong lĩnh vực/mức độ không?

“Trừ những công việc phơi nhiễm độc hại hoặc thời gian làm việc dài ảnh hưởng tới sức khỏe, mỗi người phụ nữ đều có thể đưa ra được những tiêu chí “cần tránh” khi lựa chọn công việc. Hãy lắng nghe niềm đam mê và cân nhắc điều kiện tài chính, sức khỏe của cá nhân”- bà Phương Mai nói.

Đặc biệt khi phải chăm sóc con nhỏ ốm đau, nhiều người sẽ rơi vào tình trạng phân tán tư tưởng và cảm thấy áp lực vì không đáp ứng được công việc. Theo tôi, nhà quản lý cần hiểu đây là vấn đề chung của các bà mẹ thời kỳ đầu quay lại công việc, từ đó có sự hỗ trợ và động viên cần thiết.

Ở Navigos Search, chúng tôi khuyến khích sự đồng hành, quan tâm chia sẻ từ người quản lý trực tiếp. Sự đồng hành này vừa đảm bảo chất lượng công việc chung, vừa tạo ra môi trường thân thiện cho các bà mẹ bỉm sữa.

Working mom nên tự thiết lập ra những nguyên tắc riêng gì để hòa nhịp với công việc và không mất quá nhiều thời gian cho gia đình?

- Điều quan trọng nhất là tự ý thức được những giới hạn và phạm vi của một người mẹ nơi công sở và một nhân viên mẫn cán khi ở nhà. Điều này sẽ giúp phụ nữ phần nào tách bạch các công việc trong ngày.

Tiếp đến, bạn cần quản lý thời gian nghiêm ngặt. Giờ nào việc đó.

Ngoài ra, bạn cần có sự đồng thuận từ nhiều phía. Không thể có người phụ nữ hạnh phúc và cân bằng nếu thiếu đi sự chung vai của chồng, đồng nghiệp cũng như nhà quản lý.

Từng là một working mom, bà có thể chia sẻ một số lời khuyên với những bà mẹ đi làm trong tương lai?

- Kinh nghiệm của bản thân tôi là thay đổi tư duy, chấp nhận một thực tế là: Không có gì hoàn hảo. Càng cầu toàn, phụ nữ càng tạo thêm áp lực cho mình.

Bạn hãy tận dụng các sự trợ giúp mà mình có, lựa chọn các giải pháp thay thế để có thêm thời gian cho các công việc khác, hoặc chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

Đừng quên dành thời gian cho việc học tập và sức khỏe. Đây là nguồn lực đầu tư mà người hưởng lợi chính là con bạn, người thân yêu của bạn và cả chính bạn.

Không có công thức chung cho các bà mẹ về mức độ “cống hiến” cho công việc. Sự phù hợp được cân nhắc trên các yếu tố “trợ giúp” khác như: Chia sẻ việc nhà từ các thành viên gia đình, sự tạo điều kiện từ sếp và đồng nghiệp, tính sẵn có của các dịch vụ trợ giúp…

Hằng Mai