Nghệ An:
Bà con bản Diềm đưa "hàng" sang trời Âu kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng
(Dân trí) - Bà con dân tộc Thái ở xã Châu Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) đã đưa sản phẩm truyền thống của bản làng xuất khẩu sang trời Âu, mang về nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Làng nghề nơi đại ngàn
Những ngày đầu tháng 11/2021, vượt qua hơn 160 km, chúng tôi có mặt tại bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An. Bản Diềm được ví nằm giữa đại ngàn khu vực biên giới Việt - Lào. Nơi đây có hơn 153 hộ đồng bào dân tộc Thái và người Đan Lai sinh sống. Đất trồng lúa ít nên người dân địa phương chủ yếu dựa vào rừng.
Tận dụng nguồn nguyên liệu từ rừng với các loại cây mây, tre, người dân bản Diềm đã tạo ra những sản phẩm mây tre đan nức tiếng. Tuy nhiên, có thời điểm sản phẩm làm ra không thể bán được, vì thế nhiều người trong bản đã phải đổi nghề để mưu sinh.
Tháng 6/2014, nhóm mây tre đan bản Diềm được thành lập với 17 thành viên, cung cấp các sản phẩm cho sinh hoạt hàng ngày như quạt, mâm mây, rổ rá, gùi, ép xôi...
Với mong muốn phục hưng lại nghề truyền thống của bản làng, các thành viên không ngừng học, hoàn thiện sản phẩm của mình, đồng thời nghiên cứu những mẫu mã mới, đa dạng hóa sản phẩm.
Dù mới học lớp 7 nhưng đã hơn một năm nay cháu Vy Thị Cẩm Ly phụ giúp bà làm các công việc trong hợp tác xã, hiện cháu cũng đã đan được các loại vật dụng. Hằng ngày tranh thủ những lúc không đến lớp, Ly ra nhà văn hóa cộng đồng cùng với bà và mọi người đan các sản phẩm.
"Cháu cũng biết làm nghề này hơn một năm nay rồi. Tranh thủ những lúc không đến trường cháu ra làm việc với bà để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa nâng cao tay nghề", Ly chia sẻ.
Dù đã 72 tuổi, nhưng bà Vy Thị Nội, vẫn đôi tay thoăn thoát xâu những sợi mây rất điêu luyện để tạo nên những sản phẩm đẹp. Theo bà Nội, mỗi ngày bà đan được 2 chiếc mẹt nhỏ với giá 100 nghìn đồng.
Hiện tại làng nghề mây tre đan bản Diềm có 54 hộ với 75 người. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập cũng giảm, mỗi người có thể kiếm được 3-3,5 triệu đồng/tháng.
Theo bà Lang Thị Hoa - Chủ nhiệm hợp tác xã mây tre đan bản Diềm, trước đây mỗi tháng làng nghề xuất khẩu khoảng 500 sản phẩm, tuy nhiên do dịch Covid-19, sản phẩm xuất khẩu giảm đi một nửa. Mỗi tháng hợp tác xã cũng thu về cho bà con từ 250-300 triệu đồng.
Hai vợ chồng bà Hoa và một người con cũng tham gia làm nghề mây tre đan, thời điểm chưa có Covid-19 thì mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng. Nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hàng không xuất được nên chủ yếu bán nội địa vì thế thu nhập của gia đình còn khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.
Đưa mây tre đan bản làng vươn ra thế giới
Từ khi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm từ dự án hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ 4.0 đã tạo cơ hội cho Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm.
Trong đó, việc ứng dụng công nghệ mới như sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, điện thoại thông minh và internet tạo ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh. Nổi bật nhất là "Sáng kiến 4M (Meet, Match, Mentor and Move - gặp gỡ, kết nối, đồng hành và phát triển).
Đặc biệt, là tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số, có thể khởi nghiệp, tham gia và mở rộng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường và liên kết kinh doanh, quảng bá và bán sản phẩm trên thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Tại diễn đàn, nhiều phụ nữ tại các tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang... đã chia sẻ việc áp dụng công nghệ đã giúp họ thay đổi kinh tế gia đình.
Là người tham gia dự án, bà Lang Thị Hoa được tiếp cận và cung cấp kiến thức về công nghệ 4.0 như công nghệ vận chuyển, ứng dụng internet quảng bá sản phẩm. Cách này giúp kết nối các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để mở rộng quy mô kinh doanh sản phẩm. Hiện sản phẩm mây tre đan của hợp tác xã bản Diềm đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức và Pháp, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong bản.
Bà Hoa cho biết: "Lưu giữ nghề mây tre đan truyền thống của đồng bào dân tộc Thái và đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới là tâm huyết của tôi và chị em trong tổ mây tre đan bản Diềm. Trải qua nhiều khó khăn, hiện sản phẩm của chúng tôi đã được xuất bán ra thị trường trong nước và nước ngoài mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Không chỉ giữ gìn bản sắc, việc khôi phục, phát triển nghề mây tre đan bản Diềm còn mang lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục hộ dân nơi đây giúp họ thoát nghèo bền vững.
Một số hình ảnh nghề tre đan bản Diềm được PV Dân trí ghi lại: