Anh nông dân trở thành tỷ phú khi chuyển hướng khởi nghiệp
(Dân trí) - Anh Hưng hiện sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ với hàng chục chiếc, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động… Ý chí, khát vọng làm giàu đã giúp anh nông dân trở thành tỷ phú.
Với người dân thôn Tân Thành, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, mỗi khi nhắc đến người đàn ông Lê Hội Hưng (44 tuổi), ai cũng thán phục trước ý chí của anh. Từng có tuổi thơ khó khăn nhưng hiện anh được xem là một tỷ phú khi sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ với hàng chục chiếc.
Anh Hưng sinh ra trong gia đình có 4 chị em. Sau khi học xong cấp 3, anh trải qua nhiều công việc khác nhau để mưu sinh nhưng gặp không ít khó khăn. Từ năm 2003 đến 2006, anh công tác tại đoàn thanh niên xã, sau đó được cử đi học để làm Xã đội trưởng. Sau một thời gian, thấy công việc không phù hợp nên quyết định nghỉ về làm nghề đi biển.
"Sau nhiều năm trải qua các công việc khác nhau nhưng khi trở về vẫn hai bàn tay trắng. Lúc đầu tôi và em họ chung nhau mua lại con tàu công suất khoảng 250CV rồi tu sửa, bắt đầu bám biển mưu sinh. Thu nhập ban đầu chẳng được là bao, tiền làm ra không đủ để trả lãi ngân hàng nên gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó, tôi tiếp tục vay mượn để làm dịch vụ hải sản, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh", anh Hưng nhớ lại.
Khi nhà nước hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 (giúp ngư dân phát triển nghề cá xa bờ), có được chút vốn liếng, anh Hưng quyết định vay vốn tiếp để đóng 2 con tàu với công suất trên 800CV, kinh phí 25 tỷ đồng (trong đó nhà nước hỗ trợ cho vay 70%) để vươn khơi, bám biển.
Thời gian sau đó, nhận thấy đội tàu đánh bắt xa bờ cần nhiều nhiên liệu và các nhu cầu vật tư, trao đổi hàng hóa. Năm 2008, anh Hưng cùng với 5 xã viên trên địa bàn thành lập Hợp tác xã Đoàn Kết, thuê đất làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nói là làm, ban đầu anh xây một chợ thương mại hơn 5 tỷ đồng, 6 lò hấp sấy cá. Cũng từ đây anh bắt đầu có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó đã giải quyết công ăn việc làm cho 300 lao động trên địa bàn.
"Từ khi có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, ngư dân không còn phải lo cá để lâu ngày trên thuyền; xăng dầu, đá lạnh và các nhu thiết yếu phục vụ khai thác thủy hải sản luôn sẵn sàng giúp người dân yên tâm đánh bắt", anh Hưng tâm sự.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất đá lạnh của anh với quy mô 1.500 tấn đá lạnh/tháng, đảm bảo cung ứng cho hàng trăm con tàu thuyền lớn nhỏ để vươn khơi đánh bắt. Giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, anh Hưng đang quản lý 20 con tàu khai thác hải sản xa bờ, hàng chục ha rừng và cơ sở sản xuất đá lạnh... Doanh thu một năm đạt 20-25 tỷ đồng, trừ chi phí anh lãi 2-3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động, có mức lương 9-10 triệu đồng/tháng.
Trên cương vị là Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Kết, nhiều năm qua anh và các xã viên đã đóng góp nhiều cơ sở vật chất, tiền cho quê hương. Điển hình như: Xây dựng 1,2km đường bê tông; hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn thị xã Hoàng Mai; làm cột điện chiếu sáng; ủng hộ quỹ Trần Phú để hỗ trợ cho đảng viên 50 năm tuổi đảng trở lên không có lương…
Từ năm 2016 đến nay, anh Hưng đã nhận hỗ trợ chi phí học tập cho 4 học sinh nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với 5 triệu đồng/năm. Ủng hộ 20 triệu động cho thôn làm nhà văn hóa.
Anh Hưng đã được UBND thị xã Hoàng Mai, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, UBND tỉnh Nghệ An tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen về các phong trào xây dựng nông thôn mới; sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ Quốc và phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi.
Hiện nay, anh Lê Hội Hưng còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội nghề cá tỉnh Nghệ An, Đại biểu HĐND xã Quỳnh Lập qua nhiều nhiệm kỳ Năm 2022, anh được bình chọn là một trong 100 nhà nông tiêu biểu của cả nước. Tại lễ Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/2022), anh được tôn vinh danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".