Anh nông dân nuôi "vàng đen", ăn khỏe lại đẻ "vàng trắng"
(Dân trí) - Nuôi ốc bươu đen thương phẩm và cung cấp nguồn ốc giống chất lượng cho người dân ở trong và ngoài Đà Nẵng, anh nông dân Nguyễn Hữu Bửu khởi nghiệp thành công.
Khởi nghiệp từ sở thích ăn ốc
Trại nuôi ốc bươu đen của anh Nguyễn Hữu Bửu (36 tuổi) nằm tại thôn Lệ Sơn 1, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Dẫn chúng tôi đi thăm quan trại, anh Bửu cho hay, sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Quảng Nam, từ nhỏ anh đã có "máu" chăn nuôi.
Sau thời gian dài làm đủ việc kiếm sống, năm 2018, anh tích cóp được một ít vốn và quyết định khởi nghiệp với nghề chăn nuôi.
Cơ duyên đến với nghề nuôi ốc của anh Bửu cũng khá bất ngờ. Ban đầu, anh chọn nuôi lươn nhưng không thành công và gần như trắng tay với loài vật này.
"Sau lần thất bại đó, tôi tình cờ ăn lại món ốc bươu đen và cực kỳ thích nên suy nghĩ sao mình không thử nuôi loài này. Ý tưởng nuôi ốc nảy sinh từ đó", anh Bửu nhớ lại.
Khi có ý tưởng, anh Bửu tìm hiểu về loài ốc bươu đen qua mạng. Nhận thấy loại thủy sản này ở Đà Nẵng rất ít người nuôi, anh bàn với vợ chi hơn 10 triệu đồng mua ốc giống về nuôi thử nghiệm trong 2 ao lót bạt.
Trời không chiều lòng người, việc thả nuôi đợt ốc đầu tiên đã gặp rất nhiều khó khăn. Do là "tay ngang", chưa có kinh nghiệm, số ốc của anh Bửu chết rất nhiều.
Xót của, có những đêm anh không tài nào chợp mắt được. Nhưng không bỏ cuộc, anh quyết tâm mày mò tìm hiểu thêm về kỹ thuật nuôi. Sau thời gian bền bỉ mày mò học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và những người đi trước trong nghề, anh dần hiểu được tập tính của ốc.
Cũng nhờ phát hiện được những đặc tính đó, anh đã thay đổi phương pháp nuôi, tỷ lệ ốc chết, hao hụt dần được cải thiện và những đơn hàng ốc đầu tiên đã được anh xuất bán.
"Tôi vẫn nhớ lứa ốc đầu tiên được vợ mang ra chợ rao bán. Ốc to, đẹp nên nhanh chóng bán hết và được mọi người khen ngon. Lúc đó, tôi thật sự biết mình đang đi đúng đường", anh Bửu thổ lộ.
Với thành công ban đầu, anh mạnh dạn mở rộng thêm diện tích nuôi. Đến nay, anh đã xây dựng được 3 trại ốc do anh làm chủ và 1 trại hợp tác với hơn 30 ao nuôi.
Loài sợ mưa hơn nắng nhưng lại "mắn đẻ"
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, anh Bửu cho hay, thức ăn của ốc rất dễ tìm thấy trong tự nhiên như mướp, xơ mít, các loại lá môn, bèo, rong...
Nguồn thức ăn rẻ tiền này giúp ốc bươu đen phát triển mạnh khỏe và có thể chủ động bằng cách trồng quanh bờ ao, khu vực đất trống.
Tuy nhiên, để nuôi thành công loài ốc này thì người nuôi phải có mắt "nhìn nước" để kiểm soát được nồng độ pH cũng như xem nguồn nước có bị ô nhiễm hay không.
"Nuôi ốc sợ nhất là trời mưa vì chúng rất nhạy cảm, nước mưa có thể gây ô nhiễm hoặc tăng độ pH khiến ốc nhiễm bệnh, chậm phát triển và có thể chết", anh Bửu giải thích.
Đặc biệt, loài ốc bươu đen rất "mắn đẻ", trung bình từ 15 đến 20 ngày một cá thể có thể sinh sản một lần, mỗi lần đẻ 70 - 150 trứng.
Mùa sinh sản của ốc chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Những tháng cuối năm là thời gian ốc ngủ đông, đến khoảng giữa tháng 3 âm lịch năm sau, ốc mới bắt đầu ngoi lên mặt nước đi tìm thức ăn.
"Muốn ốc đẻ trứng thuận lợi, người nuôi nên tạo bờ đất xung quanh ao để ốc leo lên và phải đi thu hoạch trứng vào sáng sớm, vì khi nắng lên, trứng sẽ khô", anh Bửu chia sẻ.
Trứng sau khi thu hoạch sẽ được xếp vào thùng xốp để ấp. Khi xếp đủ trứng trên khay thì phủ lớp khăn lên mặt, ngày xịt nước 1 - 2 lần vào khăn để giữ ẩm.
Khoảng 15 ngày, khi trứng ốc chuyển từ màu trắng sang màu đen, ốc sẽ nở. Tiếp đó, người nuôi cho ốc con xuống bể ươm. Nuôi thêm 15 ngày, ốc to bằng đầu đũa là có thể xuất bán ốc giống.
"Trung bình một ngày tôi có thể thu hoạch được 1 - 1,5kg trứng ốc, nếu bán ra thì thu được hơn 1 triệu đồng. Còn ốc thương phẩm, tôi bỏ mối hơn 40kg ốc mỗi ngày với giá 80.000 - 85.000 đồng/kg. Ngoài ra, tôi còn cung ứng ốc giống cho nhiều người dân trong vùng cùng nuôi", anh Bửu bộc bạch.
Anh Bửu cho rằng, nuôi ốc bươu đen trong bể bạt có lời nhưng rất ít vì chi phí cao, còn nuôi ốc bươu đen hữu cơ trong ao dễ nuôi hơn.
Sở dĩ nói là nuôi ốc bươu đen hữu cơ là vì các loại rau, bèo, trái cây anh trồng ra đều không sử dụng các loại phân bón hóa học, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chỉ chăm bón bằng phân hữu cơ.