“Ai có bố, mẹ ở quê sẽ hiểu giá trị của đồng lương hưu”
“Ở nhiều vùng nông thôn, mức lương hưu dù chưa lớn nhưng có vai trò không nhỏ, giúp người lao động ổn định cuộc sống tuổi già. Bởi vậy, người lao động cần hiểu được lợi ích của điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 so với việc hưởng BHXH một lần”.
Ông Kiều Minh - Trưởng Ban Tuyên truyền (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - trao đổi với PV Dân trí về lợi ích của điều 60 luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Theo đó, việc người lao động tham gia BHXH được phép cộng dồn thời gian và liên thông giữa BHXH bắt buộc với BHXH tự nguyện để tính BHXH khi đủ tuổi và số năm công tác để lĩnh lương hưu.
Điều này có lợi hơn nhiều so với việc lĩnh BHXH một lần.
“Nguyện vọng của một số người lao động xin hưởng BHXH một lần xuất phát từ thực tế khó khăn, tiền lương, thu nhập còn thấp, còn nhiều khoản phải chi tiêu. Họ coi khoản BHXH một lần như là một khoản thu nhập bổ sung để trang trải cuộc sống trước mắt. Nhưng còn cuộc sống của họ sau 15-20 năm kế tiếp thì tính sao?” - ông Kiều Minh trăn trở.
Trong khi đó, Nhà nước có chính sách về giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ về tài chính (trợ cấp thất nghiệp) và hỗ trợ học nghề, tìm việc làm. Còn về phần BHXH đã tham gia, ông Kiều Minh cho rằng người lao động nên bảo lưu, đóng đến khi đủ tuổi để hưởng lương hưu.
Phân tích về bản chất của lương hưu, vị đại diện BHXH cho rằng khoản BHXH đóng cho hưu trí là bảo hiểm cuộc sống cho người lao động khi già yếu và hết tuổi lao động.
Với mục tiêu đó, việc người lao động chưa hết tuổi lao động, còn khỏe mạnh lại đòi lấy khoản tiền đó để tiêu dùng là việc cần xem lại.
Ông Kiều Minh cho rằng, một số lượng không nhỏ người lao động hiện nghỉ hưu về quê sinh sống.
“Tôi không dám so sánh nhiều với người ở thành thị, nhưng ở nông thôn (đặc biệt là vùng nông thôn nghèo) thì mức lương hưu giúp người hưu trí đỡ được nhiều thứ. Những ai còn bố mẹ, người thân sống ở quê và đang hưởng lương hưu sẽ thấy rõ được ưu điểm của đồng lương hưu trong đời sống nông thôn”.
Theo ông Kiều Minh, những ưu điểm này được thể hiện cụ thể như sau:
Người già có thể độc lập phần nào về chi tiêu hàng ngày với con cháu. Trong cuộc sống, cực chẳng đã người già mới chờ đợi sự giúp đỡ của con cháu. Với vị thế từng là người đứng đầu trong gia đình, họ luôn muốn có sự độc lập và “ngại” nhờ vả con cháu. Bởi vậy, dù mức lương hưu còn khiêm tốn nhưng đó cũng là sự “tự hào” nhất định vì không bị ảnh hưởng tới người khác.
Tại nhiều vùng nông thôn hiện nay, tỉ lệ người nông dân đóng BHXH tự nguyện hoặc các loại bảo hiểm khác chưa nhiều. Một phần do khả năng tài chính và nhận thức. Đa số người hết tuổi lao động ở nông thôn đều ít có thu nhập thêm (trừ một số đối tượng chính sách, người cao tuổi…).
Bởi vậy, thu nhập từ lương hưu dù sao cũng là sự động viên và cao hơn so với nhiều người cao tuổi không có lương hưu tại địa phương. Độc lập một phần kinh tế khi tuổi già, ít nhiều sẽ giúp người có lương hưu có “vị thế” trong làng xóm, thôn quê, rất khác so với những người không có lương hưu trong đời sống hàng ngày.
“Và đương nhiên, người hưởng lương hưu được hỗ trợ được hưởng chế độ khám, chữa bệnh theo quy định của BHYT mà không phải đóng phí. Khi họ qua đời, người thân còn được nhận một khoản tiền chi phí mai táng” - ông Kiều Minh cho biết.
Hoàng Mạnh
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, Điều 60 Luật BHXH năm 2014 được xây dựng dựa trên thực tế công tác giải quyết chế độ thôi việc một lần dựa theo chính sách 176 cách đây vài chục năm. Nhiều người lao động đã nhận một lần số tiền cộng dồn thời gian tham gia BHXH. Nhưng sau đó, hơn 700.000 trường hợp đã có mong muốn hoàn trả lại số tiền trên để được hưởng lương hưu. Nhưng pháp luật không có quy định hồi tố. Chính vì vậy, Luật BHXH 2014 được xây dựng theo hướng hạn chế đối tượng hưởng BHXH một lần để bảo đảm an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người lao động có mong muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội được tích lũy thời gian để hưởng lương hưu hàng tháng. |