1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

9 thành tựu ngành Lao động thương binh xã hội giai đoạn 2011 - 2015

(Dân trí) - Năm 2015 là điểm nhấn của việc thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề người có công, giảm nghèo... giai đoai đoạn 2011-2015. Chuyên mục Việc làm báo Dân trí xin tổng hợp lại 9 sự kiện nổi bật trong các lĩnh vực trên.

9 thành tựu ngành Lao động thương binh xã hội giai đoạn 2011 - 2015 - 1

1. 7,8 triệu người có việc làm, hơn 100.000 người đi XKLĐ năm 2014

Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, trong 5 năm từ 2011-2015, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị  giảm xuống dưới 4%, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 40 - 41% năm 2015, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

Đối với việc làm ngoài nước, VN tiếp tục nối lại thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Năm 2014, lần đầu tiên, số lao động đưa đi vượt qua mốc 100 ngàn người.

Hiện có trên 500.000 lao động VN đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, gửi về nước hàng năm từ 1,6 - 2 tỷ USD. Trong năm 2015, VN và Đài Loan cũng đã khôi phục lại việc hợp tác đưa lao động VN đi làm việc sau hơn 10 năm gián đoạn.

2. Thu nhập bình quân/tháng năm 2015 tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2011

Từ năm 2013 đến nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thể hiện rõ nét vai trò cải thiện cơ chế xác định tiền lương tối thiểu theo thị trường và hội nhập. Mức lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng gần 2,3 lần so với năm 2011.

Thu nhập bình quân/tháng của người lao động năm 2015 tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2011. Quan hệ lao động trong giai đoạn 2011 - 2015 được cải thiện, số vụ đình công trên cả nước tính đến hết tháng 10/2015 giảm xuống còn ¼ so với năm 2011.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định lộ trình thực hiện nguyên tắc đóng hưởng và mở rộng đối tượng tham gia. Tính đến nay, cả nước có trên 12 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 23,1% lực lượng lao động, tăng thêm 2,4 triệu người so với năm 2010.

Cả nước có khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3,6 triệu người so với năm 2010, trong đó đã có gần 2,1 triệu lượt người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm mới là trên 1,7 triệu người.

9 thành tựu ngành Lao động thương binh xã hội giai đoạn 2011 - 2015 - 2

3. Dạy nghề trong 5 năm đạt khoảng 8,6 triệu người, tăng hơn 3 lần so với giai đoạn trước

Cả nước hiện có 1.463 cơ sở dạy nghề, trong đó có khoảng 800 cơ sở ngoài công lập, tăng 205 cơ sở so với cuối năm 2010. Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được tăng cường, đầu tư cho dạy nghề theo hướng tập trung, đồng bộ.

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) được triển khai hiệu quả, dạy nghề ngắn hạn, dưới 3 tháng đã giúp gần 2,4 triệu người nâng cao kiến thức để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn và tạo cơ hội cho lao động nông nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp.

Kết quả, dạy nghề trong 5 năm đạt khoảng 8,6 triệu người, tăng hơn 3 lần so với giai đoạn trước, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 51,6% vào cuối năm 2015, tăng 11,6% so với cuối năm 2010. Tỷ lệ sinh viên, học sinh học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 70% chứng tỏ dạy nghề đã tiếp cận và gắn dần với thị trường lao động,

Năm 2014, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10, tại Kỳ Đoàn Việt Nam đã dành giải Nhất toàn đoàn. Đặc biệt, tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 tại Sao Paulo (Braxin), lần đầu tiên, học sinh nghề Việt Nam đã giành được Huy chương Đồng.

4. Hoàn thiện thủ tục để Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho trên 60.000 mẹ

Cả nước hiện có 8,8 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công được hưởng các chế độ trợ cấp thường xuyên.

Đối tượng người có công hưởng chính sách ưu đãi tăng cả về số lượng và mức hưởng; mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đã tăng lên 71,2% so với năm 2010; đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho trên 60 ngàn mẹ.

Trong hai năm 2014 - 2015, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam triển khai Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng với kết quả trên 2 triệu người được rà soát. Qua đó, đã kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, giải quyết tồn đọng chính sách cho 10.682 trường hợp.

Trong 5 năm, cả nước đã huy động trên 1.250 tỷ đồng xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây mới khoảng 46 nghìn nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 43 nghìn nhà với trên 10,6 nghìn tỷ đồng; gần 11 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng...

9 thành tựu ngành Lao động thương binh xã hội giai đoạn 2011 - 2015 - 3

5. Triển khai giảm nghèo theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, người dân, sự tác động của các chính sách kinh tế - xã hội nói chung, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015); riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam luôn là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Năm 2015, với sự tham mưu của Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều làm cơ sở để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là một trong hai chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn tới.

6. Thực hiện chi trợ cấp thường xuyên cho 2,643 triệu đối tượng

Nhờ thực hiện những chính sách mới về trợ giúp xã hội, đối tượng thụ hưởng ngày càng được mở rộng; mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 180 ngàn lên 270 ngàn đồng; hệ thống cơ sở mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được quy hoạch  với trên 400 cơ sở. Kinh phí trợ giúp xã hội được huy động ngày càng đa dạng, theo hướng xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực từ cộng đồng.

Trong 5 năm, cả nước đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,643 triệu đối tượng, tăng gần 1,8 lần so với cuối năm 2010. Ngân sách trung ương chi trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng tăng nhanh, năm 2015 là trên 14 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2010 (khoảng trên 4,4 nghìn tỷ đồng).

Trong trợ giúp đột xuất, Chính phủ cũng đã hỗ trợ lương thực cứu đói cho gần 2,5 triệu lượt hộ cùng khoảng 2000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

7. Giảm tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xuống còn 6,5 %

Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu sửa đổi và trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1235/QĐ-TTg vể Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em đến năm 2020.

Tính đến hết năm 2015, cả nước có 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 6,5%; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành công với các chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt nam”, “Em không phải bỏ học”, “Cùng em đến trường”. Kết quả huy động Quỹ trong 5 năm đạt gần 300 tỷ đồng.

9 thành tựu ngành Lao động thương binh xã hội giai đoạn 2011 - 2015 - 4

8. Tỷ lệ phụ nữ điều hành doanh nghiệp chiếm tới hơn 20 %

Sau khi Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được ban hành, công tác triển khai đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương tới địa phương đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới cho mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo thực hiện bình đẳng giới trên thực tiễn, thúc đẩy phát triển bền vững của quốc gia.

Kết quả, bình đẳng giới trên hầu hết các lĩnh vực đều đạt được những bước tiến đáng ghi nhận: Tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt hơn 20%, là tỷ lệ khá cao so với khu vực và thế giới; tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt trên 80%; Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực và trên thế giới.

9. Dạy nghề cho trên 52,5 ngàn đối tượng sau cai nghiện

Chính sách phòng, chống tệ nạn xã hội thời gian qua đã có những điều chỉnh tích cực, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy và mại dâm đồng thời đáp ứng các thông lệ quốc tế. Trong đó, phải kể đến việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện tự nguyện.

Kết quả, giai đoạn 2011 - 2015 đã tổ chức, quản lý, chữa trị cai nghiện cho trên 217 nghìn lượt người; dạy nghề cho trên 52,5 nghìn người; quản lý sau cai nghiện trên 58 nghìn người, trong đó quản lý sau cai tại nơi cư trú trên 43,5 nghìn người (chiếm 73,5%), quản lý sau cai tại Trung tâm gần 16 nghìn người (chiếm 26,5%); duy trì và xây dựng mới được 3.539 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

Hoàng Mạnh lược ghi