1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

7 bí quyết giúp bạn “lấy lòng” sếp

(Dân trí) - Nói là làm, nhận trách nhiệm chứ không đổ lỗi, đưa ra đề nghị thay vì những lời phàn nàn, đưa ra giải pháp cho vấn đề...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tạo được ấn tượng tốt đẹp với sếp sẽ đem đến cho bạn nhiều lợi ích. Một khi sếp nghĩ bạn là một nhân viên tuyệt vời và muốn hỗ trợ để bạn thành công trong công việc, con đường sự nghiệp của bạn sẽ thênh thang rộng mở.

Dưới đây là 7 gợi ý giúp bạn gây ấn tượng tốt với sếp mà các chuyên gia nghề nghiệp đã đúc kết:

1. Nói gì làm nấy

Điều này quan trọng ở mọi cấp độ khác nhau. Nếu bạn có thói quen là đã nói như thế nào thì làm đúng như thế, trong bất kỳ trường hợp nào, từ việc đi đúng giờ, gửi email, cho tới hoàn thành những công việc lớn đúng thời hạn đã cam kết, sếp của bạn sẽ nhìn nhận bạn như là một người để tìm đến khi có vấn đề cần giải quyết. Cùng với đó, bạn sẽ được giao những nhiệm vụ quan trọng hơn và quyền từ quyết cao hơn.

Thử nghĩ xem nếu bạn có hai chiếc ghế, một chiếc thi thoảng lại bị tuột chân, một chiếc luôn vững vàng bất cứ khi nào bạn sử dụng, thì bạn sẽ ngồi vào chiếc ghế nào. Tương tự trong mối quan hệ với sếp, bạn hãy là chiếc ghế chắc chắn và đáng tin cậy.

2. Nhận trách nhiệm thay vì đổ lỗi

Dĩ nhiên, cũng có lúc bạn không thể làm được những gì bạn nói, vì một lý do khách quan nào đó. Trong trường hợp như vậy, hãy nhận trách nhiệm về mình, cho dù lỗi xảy ra là ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Chẳng hạn, bạn đến cuộc họp muộn vì phải đưa con đi bác sỹ khám. Thay vì xuất hiện ở cuộc họp với lời bào chữa: “Tôi đưa con đi bác sỹ, tôi không thể đến đúng giờ”, hãy nói: “Tôi xin lỗi vì đến muộn. Xin mọi người cứ tiếp tục, tôi sẽ theo dõi và ghi chép lại những thông tin đã bị bỏ lỡ sau”. Sau cuộc họp, nếu sếp hỏi lý do vì sao bạn đến muộn, bạn có thể kể lại câu chuyện cho sếp và nói rằng, bạn sẽ sắp sếp để việc đi họp muộn không xảy ra nữa.

3. Đưa ra những đề nghị thay vì những lời phàn nàn

Nói chung, đây là một thói quen quan trọng mà bạn nên xây dựng. Trong mối quan hệ với sếp, điều này càng trở nên quan trọng. Sự khác biệt nằm ở chỗ, một lời phàn nàn với nội dung: “Điều này thật tồi tệ/Anh thật tồi tệ”, có thể được nói dưới dạng một đề nghị là: “Tôi muốn việc này diễn ra theo cách… thay vì như vậy”. Những lời phàn nàn thường đem lại cảm giác buộc tội và trẻ con, trong khi những lời đề nghị tạo cảm giác về sự tôn trọng, hợp lý và tập trung vào giải pháp.

Bởi vậy, thay vì nói với sếp: “Tôi không thể làm việc được với bộ phận marketing, họ thật khó chịu!”, hãy nói: “Tôi thực sự đánh giá cao nếu được hỗ trợ để có thể làm việc tốt hơn với phòng marketing”.

4. Đưa ra giải pháp cho vấn đề

Nếu những lời đề nghị đã tốt, thì giải pháp lại càng tốt hơn. Trưởng phòng nhân sự của một công ty nhỏ nhưng đang phát triển nhanh cho biết, cô đã chuyển từ phàn nàn sang đề nghị và tiến tới giải pháp trước khi nêu vấn đề với sếp.

Ban đầu, cô định phàn nàn với sếp rằng: “Chẳng ai tôn trọng vai trò của tôi. Họ không làm những gì mà tôi đề nghị”, nhưng sau đó cô nhận ra rằng đây không phải là cách tốt. Sau đó, cô nghĩ mình nên đề nghị với sếp: “Tôi muốn anh nói với nhân viên là họ phải trả lời email của tôi và dành thời gian để tới gặp tôi”, nhưng đây vẫn chưa phải là cách tốt nhất. Cuối cùng, cô viết một kế hoạch đơn giản về vai trò của mình và trình lên sếp, nói rằng: “Đây là những gì mà tôi nhìn nhận về vai trò của mình. Tôi muốn chắc là anh và tôi cùng nhất trí về vấn đề này. Sau đó, tôi muốn nói chuyện với từng nhân viên một về kế hoạch này và nhất trí với họ”. Đây đúng là một giải pháp và đã được vị sếp đánh giá cao.

5. Chủ động với phát triển sự nghiệp của chính bạn

Nhiều nhân viên thường có xu hướng “chờ để được cất nhắc”, trong khi có những nhân viên hiểu rằng, họ làm chủ số phận của chính mình trong vấn đề sự nghiệp và tự xác định mình muốn đạt tới mục tiêu nào, làm thế nào để đạt được mục tiêu đó. Hầu hết các sếp, trừ các sếp tồi, thích dạng nhân viên thứ hai, và muốn hỗ trợ những nhân viên này.

Chẳng hạn, thay vì đợi sếp trao cho bạn những cơ hội mới, hãy đề nghị với sếp những gì bạn muốn. Xác định xem bạn quan tâm tới điều gì, và đề nghị được trao những cơ hội cụ thể để phát triển trong lĩnh vực đó. Chẳng hạn, nếu bạn muốn trở thành một nhà quản lý, thử hỏi sếp cho bạn quản lý một nhân viên thực tập, hay trưởng nhóm dự án.

6. Là một “công dân” tốt trong công ty

Hầu hết các sếp đều để ý xem nhân viên của mình hòa đồng như thế nào. Nếu có một người nào đó tạo điều kiện dễ dàng cho những người khác, biết cách làm việc với người khác, hỗ trợ đồng nghiệp đạt kết quả tốt, không “buôn chuyện”, nói xấu… thì chắc chắn sếp sẽ đánh giá cao. Nếu bạn là người có những thiện chí như vậy, hãy chứng tỏ cho sếp thấy bạn là người có ảnh hưởng tích cực và thậm chí có khả năng làm được nhiều hơn. Sếp sẽ thấy thoải mái nếu không phải mất thời gian và công sức để giải quyết những rắc rối trong quan hệ giữa bạn với đồng nghiệp.

7. Giúp sếp cảm thấy “dễ thở” hơn

Hầu hết các sếp đều mệt mỏi vì công việc bận rộn, trong khi nhân viên chỉ chú trọng tới lợi ích của riêng mình, sự nghiệp của riêng mình và chuyện sếp sẽ giúp ích được gì cho họ. Là một nhân viên, nếu bạn dành ra một chút thời gian để nghĩ xem mình có thể giúp ích được gì cho sếp, và đưa ra đề xuất với sếp, ngay lập tức bạn sẽ là một nhân tố thay đổi được sếp hoan nghênh. Chẳng hạn, một nhân viên thường xuyên đưa ra cho sếp những gợi ý nhỏ để giúp sếp tiết kiệm thời gian, làm đỡ một số việc cho sếp… sẽ khiến sếp cảm kích. Khi đó, sếp sẽ tìm cách giúp đỡ lại nhân viên này.

Và chắc chắn, nếu bạn là sếp, bạn cũng sẽ muốn có được những nhân viên như thế.

Phương Anh
Theo Forbes