6,7 tỷ USD/năm trả lương cho lao động ngành dệt may

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), ngành dệt may đã và đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động gián tiếp, thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển…

2,5 triệu lao động trực tiếp làm việc  trong ngành dệt may
2,5 triệu lao động trực tiếp làm việc  trong ngành dệt may

Dựa trên tính toán về số lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành dệt may và phụ trợ, với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng/người, tương đương 54 triệu đồng/năm, Vitas cho biết, tổng quỹ lương chi trả cho 2,5 triệu lao động trực tiếp trong 1 năm là 135 ngàn tỷ đồng (tương đương 6,7 tỷ USD).

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, trong lịch sử phát triển kinh tế, một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...đều có giai đoạn đi lên từ ngành công nghiệp dệt may, để rồi trở thành những “con rồng” châu Á.

Lý do là ngành dệt may đòi hỏi nhu cầu vốn không lớn, giải quyết được nhiều lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, sử dụng ít tài nguyên không tái tạo lại được như đất, nước và năng lượng.

Ngoài ra, ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động này không tạo ra nguy cơ của các cú sốc cho nền kinh tế như bất động sản hay tài chính.

Là một ngành ít sử dụng tài nguyên không tái tạo, nhưng dệt may mang đến thu nhập hiệu quả cho người dân.

Ông Giang dẫn chứng, làm một phép tính đơn giản: chỉ cần trên 1 ha đất để xây dựng một nhà máy may tạo việc làm cho trên 1.000 công nhân, với thu nhập của người lao động trong một năm xấp xỉ 54 triệu đồng, tổng thu nhập tiền công từ 1ha đất đã là trên dưới 54 tỷ đồng.

Với một đất nước xuất phát điểm từ nông nghiệp đang trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, thì số tiền người lao động thu được từ 1 ha đất như vậy được tính là rất hiệu quả.

Mặc dù còn không ít quan điểm cho rằng, dệt may là ngành công nghiệp nhẹ, mang lại giá trị gia tăng chưa cao. Nhưng, nếu đánh giá một cách toàn diện điều kiện của nền kinh tế Việt Nam cũng như mặt bằng dân trí, chỉ tập trung vào ngành công nghệ cao thì gần 3 triệu người lao động phổ thông sẽ đi đâu và làm gì? Trong bối cảnh đó, rõ ràng ngành dệt may đã tạo được an sinh xã hội không tồi, theo Vitas.

Chỉ tính riêng kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014, ngành dệt may tiếp tục ghi dấu ấn và khẳng định được vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn về xuất khẩu.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 18,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó xuất khẩu may mặc đạt 15,5 tỷ USD, xơ, sợi dệt đạt 1,9 tỷ USD, vải kỹ thuật 340 triệu USD và nguyên phụ liệu 520 triệu USD.

Dự kiến, theo đà này năm 2014 ngành dệt may sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu hhoảng 25,4 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013.

Theo Báo Đầu tư