62% người cao tuổi VN chưa có lương hưu hoặc trợ cấp tuổi già

(Dân trí) - “VN có hơn 37% người cao tuổi nhận lương hưu và trợ cấp xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 62% người cao tuổi chưa có lương hưu hoặc trợ cấp tuổi già. Để đảm bảo an sinh hưu trí, việc gia tăng bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện là rất cần thiết”.

Nhu cầu an sinh hưu trí của người dân rất lớn.
Nhu cầu an sinh hưu trí của người dân rất lớn.

Bà Trần Thị Thuý Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi tại Hội thảo tương lai hưu trí VN hôm 8/9 tại Hà Nội.

Số liệu trên chưa bao gồm đối tượng người có công được hưởng các chế độ đãi ngộ và bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, con số 62% người chưa có lương hưu và trợ cấp xã hội cũng đáng là điều suy ngẫm.

“Điều này cho thấy tỉ lệ bao phủ lương hưu đối với người cao tuổi không cải thiện nhiều. Dù đối tượng thụ hưởng tăng nhưng tốc độ già hoá dân số của VN lớn nên tỉ lệ người cao tuổi có lương hưu đang có xu hướng giảm” - Bà Trần Thị Thúy Nga nói.

"Tốc độ già hoá dân số ở VN nhanh hàng đầu châu Á và cũng thuộc diện nhanh nhất thế giới. Tuổi thọ của người VN tăng gấp 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới. Trung bình một người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống và 95% người cao tuổi có bệnh (một người mắc 2,69 bệnh). Phần lớn đang hết sức khó khăn, sống dựa vào sự chăm sóc của xã hội, con cháu hoặc tự làm việc mà không có tích luỹ" - Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế).

Theo Vụ Bảo hiểm xã hội, VN mới chỉ có gần 4,2 triệu người cao tuổi đang được lĩnh lương hưu và trợ cấp mất sức lao động. Trong khi đó, số người đi làm đang tham gia BHXH chỉ chiếm hơn 11 triệu lao động. Phần lớn là lao động trong khu vực chính thức và người tham gia BHXH tự nguyện.

Để đảm bảo mục tiêu lâu dài tới năm 2020, VN phải có ít nhất 50 % số người tham gia BHXH.

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, một trong những định hướng cải cách chính sách lương hưu trong thời gian tới là mở rộng diện bao phủ, bao gồm cả hình thức bắt buộc và tự nguyện.

Cụ thể, mở rộng diện bao phủ lương hưu cho người cao tuổi, khuyến khích các hình thức tự tiết kiệm, tham gia các quỹ hưu trí, mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ…

62% người cao tuổi VN chưa có lương hưu hoặc trợ cấp tuổi già - 2

Bên cạnh đó, cũng cần cải thiện mức hưởng lương hưu. Trước hết, khi Luật BHXH năm 2014 chính thức có hiệu lực sẽ nâng dần mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; xây dựng hệ thống lương đa trụ cột, tham gia BH hưu trí bổ sung.

Nguy cơ dân số VN bước vào giai đoạn lão hóa cũng được các tổ chức quốc tế thừa nhận.

Theo bà Ritsu Nacken, Trưởng đại diện Quỹ dân số LHQ tại VN, dân số VN bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011. VN là một trong những nước có tỉ lệ già hoá rất nhanh trên thế giới.

"1/5 số người đang lao động được hỏi ở hy vọng sẽ có thu nhập từ tài sản tài chính khi nghỉ hưu, vì thế các khoản tiết kiệm cá nhân sẽ không thể bù đắp cho số còn lại. Chỉ 10% người được hỏi tin rằng con cái trưởng thành hoặc những thành viên khác trong gia đình là chỗ dựa thu nhập khi nghỉ hưu của họ. Với tỷ lệ trên đây, những người hiện đang đi làm sau này khi về hưu sẽ không thể dựa vào gia đình nhiều như những người hiện đã nghỉ hưu" - Khảo sát mới đây tại VN của Viện Lão hóa Toàn cầu.

Theo đó, năm 2014, tỉ lệ người cao tuổi trong dân số đã tăng lên 10,5%.Con số này sẽ tăng lên 23% vào năm 2040. Gần 1/5 người cao tuổi sống dưới mức nghèo, hơn 1/3 trong số họ vẫn đang phải làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức với thu nhập không ổn định và thấp.

Khảo sát của Quỹ dân số LHQ tại VN, 62% người được hỏi mong muốn Chính phủ cung cấp lương hưu cho người về hưu, nhưng họ cũng muốn Chính phủ khuyến khích người dân tiết kiệm, chuẩn bị cho tương lai.

“Cần phát triển hệ thống hưu trí toàn diện, bao gồm trợ cấp lương hưu ở cả khu vực công- tư và các trợ cấp lương hưu xã hội để bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả mọi người. Trợ cấp lương hưu xã hội cũng phải được coi là đầu tư để giảm nghèo đói”- bà Ritsu Nacken đề xuất.

Theo Quỹ dân số LHQ tại VN, từ năm 2012, thu nhập của các nhóm tuổi ở VN đã tăng lên (ngoại trừ nhóm tuổi từ 65- 80). Trong khi đó, người cao tuổi sức khoẻ ngày càng giảm sút, thu nhập thấp, những thay đổi trong môi trường sống đòi hỏi phải có nhiều sự chăm sóc hơn, người già ngày càng dễ bị tổn thương và cần nhiều chính sách hỗ trợ, bảo vệ giúp họ không phải chịu những “cú sốc” hoặc sự rủi ro rơi vào cảnh nghèo đói.

Hoàng Mạnh