6 kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng học từ các nhà báo
Dù làm việc trong lĩnh vực nhân sự hay điều tra thì cả nhà tuyển dụng lẫn phóng viên đều có điểm chung là muốn người được phỏng vấn cởi mở hơn trong lúc họ đặt ra những câu hỏi khó, và sớm phát hiện những lời nói dối.
Tuy nhiên, nếu như phóng viên có nhiều cơ hội trau dồi kỹ năng phỏng vấn thì nhà tuyển dụng chỉ làm việc đó vài lần trong năm.
Theo Brant Houston - giảng viên bộ môn phóng sự điều tra của trường Đại học Illinois cho biết: “Mọi người thường nghĩ vì mình là người đi phỏng vấn người khác nên mọi chuyện sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, để có một buổi phỏng vấn tốt thì bạn cần phải luyện tập rất nhiều”.
Sau đây là những lời khuyên từ ba phóng viên kỳ cựu dành cho các nhà tuyển dụng được đăng tải trên Fastcompany.com:
1. Tạo môi trường thoải mái
Phỏng vấn xin việc luôn là khoảng thời gian áp lực đối với ứng viên, bởi họ lo sợ nói điều gì đó không đúng trước mặt ban tuyển dụng.
Houston – người từng làm Giám đốc điều hành của Investigative Reporters and Editors trong 10 năm cho biết, ông chuộng cách vừa đi vừa trò chuyện vì nó tạo cảm giác thoải mái cho người được phỏng vấn. Theo ông, việc vận động như vậy giúp cơ thể thả lỏng, khiến nhân vật cởi mở hơn.
Hoặc nếu hoàn cảnh không cho phép, bạn chỉ cần đi bộ từ văn phòng đến tiệm cà phê là đã đủ thời gian thực hiện một cuộc phỏng vấn. Nói chung, bạn nên chuyển sang cách tiếp cận gần gũi hơn.
2. Đặt câu hỏi như một phóng viên
Tisha Thompson, một phóng viên điều tra nổi tiếng của kênh NBC - 4 (Washington) cho biết, nếu bạn hỏi một câu hỏi gồm 2 phần thì ứng viên sẽ luôn chọn phần dễ hơn để trả lời. Vì thế, hãy chắc rằng bạn chỉ hỏi duy nhất một ý tại một thời điểm.
Tisha Thompson trong một cuộc phỏng vấn Đồng thời, bạn không nên đưa ra câu trả lời trước khi đặt câu hỏi. Ví dụ: Nếu bạn đang tuyển dụng một nhân viên quan hệ công chúng, thì nên hỏi: “Yếu tố nào tạo nên một nhà quan hệ công chúng giỏi?” thay vì hỏi “Một nhà quan hệ công chúng giỏi là người rất linh hoạt và năng động. Bạn có kinh nghiệm thực tế nào thể hiện điều đó không?”.
Cô cũng chia sẻ những nguyên tắc phỏng vấn cơ bản khác như: Tránh hỏi những câu mang tính chất Đúng/Sai, lắng nghe cẩn thận và đừng ngắt lời ứng viên giữa chừng. Đồng thời, bạn sẽ khai thác được những thông tin giá trị hơn bằng cách đề nghị họ kể những câu chuyện hơn là yêu cầu họ trả lời câu hỏi một cách cứng nhắc.
3. Làm rõ thông tin sai sự thật
Houston cho biết, đôi khi các phóng viên điều tra phải dùng một chút "mưu mẹo" mới tìm ra sự thật từ những nguồn tin bất hợp tác. Các ứng viên cũng không dễ tiết lộ bản thân, nhưng nguyên nhân thường do họ đang háo hức muốn gây ấn tượng tốt trước nhà tuyển dụng.
Nếu bạn nghi ngờ ứng viên đang nói dối, Houston khuyên bạn nên hỏi họ một câu hỏi nhưng với 3 cách khác nhau.
"Nếu có ai đó đang nói dối hoặc tìm cách né tránh câu hỏi thì sẽ rất khó để họ có thể kể 3 lần cho cùng một câu chuyện", ông cho biết.
4. Nghiên cứu hồ sơ ứng viên
Michael J. Berens, phóng viên điều tra của tờ Chicago Tribune và là người đoạt Giải thưởng báo chí Pulitzer năm 2012 cho biết, việc dành thời gian nghiên cứu thông tin sẽ giúp bạn đặt câu hỏi tốt hơn và tối thiểu hóa thời gian buổi phỏng vấn, bởi bạn sẽ không có đủ thời giờ để nghe người khác kể tiểu sử bản thân.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu thông tin này không chỉ đơn giản là đọc sơ yếu lý lịch của nhân vật.
Còn với Tisha Thompson, cô cho biết trước khi bước vào một cuộc phỏng vấn, cô luôn tìm đọc mọi thông tin có thể biết trước được thông qua mạng xã hội, hồ sơ của họ trên LinkedIn hay bất cứ thông tin nào có liên quan.
Houston đưa ra lời khuyên: "Hãy tìm hiểu nhân vật nhiều hơn nữa để biết họ là ai".
5. Đừng tin mọi thứ bạn đọc
Trong giai đoạn chuẩn bị phỏng vấn, Berens cho biết ông đã đọc rất nhiều các hồ sơ, tiểu sử nhân vật mà phần lớn thông tin ghi trong đó đều từ mức phóng đại đến bịa đặt hoàn toàn. Đó là lý do tại sao Berens luôn xác minh mọi thông tin có thể, bao gồm cả việc kiểm tra bằng cấp.
"Thứ mà tôi thực sự xem xét cẩn thận chính là những thông tin thể hiện sự tuyệt đối. Ví dụ: Tôi là người tuyệt vời nhất, tôi giỏi nhất, tôi là số 1,... Bất cứ ai nói những câu như vậy đều khiến tôi phải kiểm tra lại kỹ càng", ông nói.
Chia sẻ về vấn đề này, Thompson cho biết cô không tin bất cứ điều gì là thật cho đến khi chính cô tìm ra bằng chứng chứng minh được điều đó. Đó là lý do tại sao cô luôn xác nhận mọi thứ, từ chuyên ngành đại học của nhân vật cho đến kỷ niệm thời học sinh của từng người.
"Thậm chí, nếu bạn đã tìm được một ứng viên thực sự ưng ý thì cũng cần thử thách họ một cách công bằng như với những người khác", Thompson cho biết.
6. Ghi chú đúng lúc
Nếu bạn chỉ nhìn chằm chằm vào cuốn sổ hay viết nghuệch ngoạc trong lúc phỏng vấn thì nhiều khả năng bạn sẽ bỏ lỡ những chi tiết trực quan quan trọng và khiến không khí thêm căng thẳng, theo Houston.
Ông khuyên mọi người nên cố gắng ghi chép càng ít càng tốt và nói những câu đại loại như: "Tôi muốn lưu lại điều này" trước khi đặt bút viết.
Và sau khi buổi phỏng vấn kết thúc, bạn cần ngay lập tức ghi lại ấn tượng về nhân vật hay bất cứ thông tin quan trọng nào khác. Sau một ngày, Houston đề nghị bạn nên đọc lại những ghi chú đó.
"Rất nhiều người ghi chép nhưng không bao giờ đọc lại chúng trong khi đây lại là điều quan trọng cần làm", ông nói.
Theo Doanh nhân Sài gòn