5 lợi ích khi kiểm soát được cảm xúc trong công việc
(Dân trí) - Kiểm soát được cảm xúc là một kỹ năng khó nhưng rất cần thiết trong cuộc sống, nhất là trong công việc. Làm chủ được cảm xúc trong mọi hoàn cảnh sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích, đặc biệt là 5 điều sau đây.
Tránh được xung đột không đáng có
Trong rất nhiều tình huống, việc để cho cảm xúc lấn át dễ làm cho cuộc bàn bạc, tranh luận trở nên mâu thuẫn, đặc biệt là khi có nhiều ý kiến trái chiều. Người không kiểm soát được cảm xúc sẽ rất dễ có phản ứng sai lầm, đó là bảo thủ, đem tình cảm yêu ghét cá nhân để quyết định đúng sai hoặc thể hiện cái tôi cá nhân quá lớn và vô tình tự bộc lộ điểm yếu.
Những lúc như vậy, người kiểm soát tốt cảm xúc cá nhân sẽ để lý trí và các luận điểm phát huy tác dụng thay vì để cảm xúc chi phối. Giữ thái độ khách quan, sự tìm hiểu vấn đề sáng suốt và tôn trọng tất cả các ý kiến. Học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân tốt sẽ có thái độ cư xử ở mức độ phù hợp và khéo léo nhất, tránh được xung đột hoặc làm dịu đi tình hình căng thẳng song song với việc đạt được kết quả công việc như ý.
Xây dựng và duy trì mối quan hệ
Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn cho rằng, trong bất kì mối quan hệ nào, việc kiểm soát được cảm xúc trong giao tiếp giúp xây dựng và duy trì mối quan hệ đó thuận lợi hơn.
Việc thể hiện cảm xúc thái quá như bốc đồng, giận dữ, tranh chấp hơn thua... sẽ là yếu tố giết chết mối quan hệ nhanh nhất. Nó chỉ làm cho mối quan hệ xấu đi vì có lời nói, thái độ và hành vi làm tổn thương, thậm chí xúc phạm đến người khác. Đặc biệt đó là cấp trên, đồng nghiệp hay đối tác, khách hàng thì tất nhiên sẽ nhận lại hậu quả xấu tùy theo mức độ.
Do đó, lợi ích của việc làm chủ được cảm xúc là thể hiện thái độ đúng mực, ứng xử khôn ngoan, khéo léo. Điều này giúp cho các mối quan hệ được giữ vững và phát triển tốt hơn.
Chuyên nghiệp hơn trong mắt cấp trên và đồng nghiệp
Bộc lộ hết cảm xúc và thái độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc người khác nhìn nhận về bạn. Đặc biệt cấp trên sẽ không đánh giá cao người mà bị cảm xúc chi phối. Họ hiểu rằng người mà không làm chủ được cảm xúc là thiếu chuyên nghiệp, rất khó vươn xa đồng nghĩa với cơ hội thăng tiến bằng không. Chưa kể, trong mắt người xung quanh, bạn có vẻ như chưa trưởng thành, thiếu sự khôn ngoan và không đáng tin cậy.
Do đó, việc làm chủ được cảm xúc cá nhân sẽ giúp bạn giữ được hình ảnh tốt trong mắt người khác. Bạn sẽ trở nên trưởng thành, điềm tĩnh và chuyên nghiệp hơn trong mắt cấp trên và đồng nghiệp.
Không bị người khác lợi dụng điểm yếu
Đôi khi trong công việc có những tranh chấp và đối thủ sẽ lợi dụng điểm yếu của bạn để chơi xấu, làm bạn tự hại chính mình chỉ vì không kiểm soát tốt cảm xúc.
Ví dụ biết tính bạn nóng nảy, họ sẽ khiêu khích bạn trong một số trường hợp để bạn nổi nóng, giận dữ và có một vài phản ứng tiêu cực. Như vậy, bạn đã tự đánh mất hình ảnh tốt đẹp của mình trong mắt cấp trên, đồng nghiệp, đối tác, khách hàng... đồng nghĩa với việc tự đánh mất cơ hội làm việc hay hợp tác.
Do đó, lợi ích của việc kiểm soát cảm xúc cá nhân là giữ cho tâm lí của mình được bình ổn, thái độ khách quan điềm tĩnh nhất để ứng xử tốt trong mọi tình huống, không để người khác khiêu khích, lợi dụng hạ bệ chính bản thân mình.
Thể hiện bạn là người có hiểu biết
Và cuối cùng, người có hiểu biết sẽ luôn cố gắng học hỏi những điều hay lẽ phải để có các quy tắc ứng xử đúng mực nhất. Người biết kiềm chế bản thân mình, biết cố gắng học cách kiểm soát cảm xúc chắc chắn là một người hiểu biết, khôn ngoan và có lối sống tích cực, được mọi người yêu mến, coi trọng.
Không chỉ trong công việc mà cả cuộc sống, học cách kiểm soát cảm xúc sẽ mang đến nhiều lợi ích đáng giá cho chính bạn và cả những người liên quan. Kiểm soát được cảm xúc sẽ điều khiển được hành vi đúng mực, khéo léo và tránh được các sai lầm trong ứng xử hay quyết định công việc làm bạn hối tiếc. Ngoài yếu tố năng lực và kiến thức chuyên môn, kiểm soát cảm xúc cá nhân chính là một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của bạn.
Đặng Hảo