1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

5 cụm từ “nguy hiểm” trong quảng cáo

(Dân trí) - Những mẩu quảng cáo trên báo, đài thường đưa ra những hứa hẹn khó tin. Đánh lừa khách hàng - đó chính là một sai lầm cơ bản của việc sáng tạo trong quảng cáo.

“Tăng gấp đôi thu nhập của bạn với cơ hội kinh doanh không chút rủi ro này” hoặc “Gia nhập cùng hàng triệu khách hàng khác đã thu về những kết quả tuyệt vời sau một đêm”. Những mẩu quảng cáo “ngọt như đường”, sai sự thật và phi lý trên thực tế có thể đem lại những hậu quả đáng sợ, thay vì làm tăng sức mua, gia tăng lợi nhuận…

 

Dưới đây là năm cụm từ gây phản cảm nhất trong các câu quảng cáo mà bạn cần tránh hoặc cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng.

 

1. Miễn phí (Free)

 

“Miễn phí” là một trong những từ bị lạm dụng nhiều nhất trong quảng cáo cùng với những từ có nghĩa tương tự như “không chi phí”, “không cần phải đầu tư” hoặc “không cần phải mua”. Sử dụng từ “miễn phí” là một trong những cái bẫy dễ dàng nhất vì nó là từ rất dễ thu hút sự chú ý của khách hàng.

 

2. Đảm bảo (Guarantee)

 

Mục đích chính của công việc viết quảng cáo là làm sao đánh trúng vào điểm yếu của khách hàng, chẳng hạn như thích sự an toàn và tin tưởng. Vì vậy dễ hiểu rằng tại sao nhiều công ty sử dụng từ “đảm bảo” rất tự do, chẳng hạn như “Đảm bảo khách hàng sẽ hài lòng”, “Đảm bảo sẽ hoàn tiền”, “Đảm bảo sẽ có kết quả”.

 

3. Giá thấp nhất (Lowest price)

 

Khách hàng nào lại không quan tâm đến giá cả? Giá cả là yếu tố dễ dàng nhất để các công ty dựa vào đó tạo sự khác biệt, nổi bật cho sản phẩm và dịch vụ của mình. Tuy nhiên, việc tuyên bố mức giá như thế nào cần phải được làm rõ và sao cho có thể tin tưởng được. Trong thực tế, việc công bố giá cả ưu đãi, hấp dẫn đã không còn có nhiều sức nặng vì chiến thuật này đã bị lạm dụng.

 

4. Không có rủi ro (Risk free or no risk)

 

Đây là một ví dụ khác về một cụm từ quảng cáo không còn hiệu quả vì đã được sử dụng quá nhiều, quá thường xuyên. Trong xã hội ngày nay, khách hàng biết rõ một thực tế rằng người này có lợi thì người khác ít nhiều sẽ bị thiệt hại. Vì vậy khách hàng khó có thể tin rằng việc mua một món đồ nào đó sẽ không có rủi ro gì.

 

5. Cho đến hoặc Ít nhất (Up to or at least )

 

Hai cụm từ này có thể gây phản cảm rất lớn cho khách hàng. Chẳng hạn như “giảm giá đến 75%” có nghĩa là chỉ một số mặt hàng nào đó giảm 75% giá bán mà thôi, trong khi những mặt hàng khác chỉ được giảm giá ở tỷ lệ ít hơn nhiều, thậm chí vẫn giữ nguyên giá. Khách hàng nhìn thấy “giảm giá 75%” và ghé ngay vào cửa hàng, nhưng họ sẽ nhanh chóng thất vọng khi nhận ra rằng chỉ có một số món hàng không thông dụng mới được giảm giá tới mức đó.

 

Một ví dụ khác có thể kể ra là “giao hàng trong vòng 24 giờ”. Khi khách hàng mua một món hàng kèm theo dịch vụ giao hàng đặc biệt được đề nghị từ phía cửa hàng, họ đều biết rằng giao hàng trong vòng 24 giờ là một đề nghị hấp dẫn nhưng không thể áp dụng cho tất cả các loại giao dịch. Nếu không may nằm trong trường hợp không được thỏa mãn đề nghị trên, họ sẽ không hài lòng và không muốn mua hàng ở đó nữa.

 

Tất cả phụ thuộc vào cách bạn nói

 

Bạn có thể sử dụng những từ như “miễn ph픓giá thấp nhất” nhưng phải thể hiện đúng tính chất của những từ này trong hoạt động kinh doanh của mình. Khách hàng ngày nay thường bị tác động mạnh bởi sự trung thực của các công ty. Điều này sẽ giúp tạo dựng lòng trung thành ở khách hàng, và từ đó làm tăng doanh thu cho công ty.

 

Cần phải làm rõ những cụm từ dễ gây hiểu lầm. Thay vì nói “Chúng tôi bán giá thấp nhất” thì để thuyết phục khách hàng mà vẫn không thể hiện sự khoa trương, bạn có thể sử dụng câu “Thời điểm Valentine là ngày cửa hàng bán hàng với giá thấp nhất”. Trong ví dụ này, bạn không chỉ nêu rõ thông điệp của mình mà còn thu hút sự chú ý của khách hàng và kích thích họ “hành động” vào ngày 14/2.

 

Phước Đại

Theo Yahoo Biz