5 cách vượt qua trầm cảm, cải thiện sức khỏe tinh thần và làm việc hiệu quả

Hai thử thách lớn đối với các doanh nhân là chiến đấu với những tác động từ bên ngoài, cũng như giải quyết những vấn đề nội tâm.

Trở thành chủ doanh nghiệp là quyết định đầy thử thách. Trên con đường lập nghiệp, phần lớn doanh nhân đều phải đối diện với những tình huống dẫn đến sự căng thẳng trong cảm xúc cá nhân.

Nghĩa vụ đáp ứng những mong đợi khác nhau từ nhà đầu tư, cộng sự, nhân viên lẫn ổn định nền tảng tài chính cho công ty đôi khi sẽ trở thành áp lực quá sức chịu đựng với các chủ doanh nghiệp.

Bất cứ ai mong muốn một ngày nào đó có thể đủ bản lĩnh đối diện những bài toán của cuộc sống thì trước tiên cần trang bị cho mình một tấm khiên bảo vệ vững chắc.

tram cam.jpg

Tấm khiên đó chính là những thói quen thông minh giúp cân bằng tâm trí. Sau cùng, mọi cơn căng thẳng đều sẽ trôi qua và các cơ hội, mối quan hệ mới sẽ lại đến với người kinh doanh.

Một nghiên cứu thực hiện bởi các chuyên gia của Đại học California (Mỹ) đã tìm ra căng thẳng tâm lý là tình trạng phổ biến ở doanh nhân. Cụ thể, nghiên cứu này tìm thấy có 72% - gần 3/4 doanh nhân tham gia khảo sát cho biết đã từng trải qua trạng thái bất ổn về sức khỏe tinh thần. Một nửa trong số các doanh nhân này còn trải qua trạng thái bất ổn kinh niên.

Trong đó, hai thử thách chính đối với các doanh nhân chính là chiến đấu với những tác động từ bên ngoài, cũng như giải quyết những vấn đề nội tâm. Vì vậy, nghiên cứu này đã nhận định rằng bước đầu tiên để doanh nhân ổn định tinh thần chính là phát triển những thói quen suy nghĩ tích cực.

Chirag Kulkarni - CMO của Medly, cây bút cộng tác của tờ Entrepreneur đã chia sẻ những kiến thức có được về cách giúp các doanh nhân vượt qua trạng thái lo lắng, trầm cảm, dần cải thiện tinh thần để làm việc hiệu quả hơn:

1. Đọc sách

Bạn có từng phải từ bỏ thói quen đọc sách để dành thời gian tập trung cho công việc kinh doanh không? Nếu có thì hãy khôi phục lại thói quen này. Một nghiên cứu công bố bởi trang tin về khoa học thần kinh - Neurology cho biết đọc sách giúp con người cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung.

Hai yếu tố này sẽ giúp doanh nhân có thể phản xạ phân tích tình huống phát sinh một cách tỉnh táo, thay vì vướng vào những phản ứng bản năng khi xử lý vấn đề.

Vậy doanh nhân nên đọc sách gì? Câu trả lời là sách gì cũng được. Ngay cả việc đọc những quyển sách tự chữa lành (self-help) cũng rất hữu ích cho những ai đang gặp phải trạng thái bất ổn về tinh thần. Nghiên cứu công bố trên The BMJ chỉ ra rằng tình trạng trầm cảm đã được cải thiện rất nhiều ở những người chọn đọc sách hướng dẫn cách sống tốt hơn khi bản thân đang bất ổn.

2. Vận động thanh lọc tâm trí

Tập thể thao, một lời khuyên đã trở nên quá quen thuộc. Nhất là khi các nhà khoa học cũng đồng ý rằng việc vận động thường xuyên mang đến cho con người nhiều lợi ích khác, ngoài chuyện giảm cân giữ vóc dáng cân đối. Vận động đều đặn sẽ giúp kích thích cơ thể trao đổi khí oxy, dẫn đến thanh lọc tâm trí cho con người.

Một nghiên cứu công bố trên NeuroImage cho thiết khi người lớn tích hợp lịch tập thể dục thể thao vào nhịp sống hằng ngày, não bộ của họ vẫn sẽ tiếp tục phát triển.

Nếu bạn lo lắng về việc thời gian hạn hẹp thì hãy máy chạy bộ tại nhà hoặc văn phòng là một giải pháp đáng cân nhắc.

3. Ngưng suy nghĩ quá nhiều và hành động đi

CEO Amazon - Jeff Bezos đã từng đề cập đến chủ đề này vào năm 2016, trong lá thư gửi đến các đối tác của mình. Trong lá thư này, ông đã bày tỏ quan điểm cá nhân về việc lo lắng quá nhiều về tương lai.

Với ông, khi xác định rằng "hôm nay chính là ngày thực hiện" là khi chúng ta có được những quyết định thông minh nhất. "Một khi bạn đã có 70% lượng thông tin cần thiết thì đó là lúc bạn đã có thể ra quyết định và hành động được rồi", Bezos bày tỏ.

Nếu từ sâu bên trong bạn là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, luôn muốn chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi hành động thì hãy dần rèn luyện thói quen học qua trải nghiệm.

Mỗi ngày, tập buông dần từng luồng suy nghĩ lo lắng một, và bắt tay ngay vào thực hiện điều đang cân nhắc đó. Theo thời gian, bạn sẽ dần thoát ra được trạng thái lo lắng về những điều không đoán trước được và học được kỹ năng trưởng thành từ thực tiễn.

4. Hãy nói không khi cần thiết

Không phải cơ hội nào tìm đến cũng mang theo kết quả tốt. Đôi khi, có những lời mời gọi sẽ rút kiệt sức của bạn.

Vì vậy, thay vì gật đầu đồng ý với mọi lời đề nghị, hãy biết cân nhắc, lựa chọn cơ hội phù hợp nhất. Đôi khi những cơ hội hấp dẫn tìm đến làm bạn khó lòng nói lời từ chối, nhưng không hãy nhận lời. Nếu cơ hội ấy sẽ buộc bạn phải căng sức ra quá nhiều thì kỳ thực chúng không hấp dẫn như bạn đang hình dung.

Hãy nhớ, dù giỏi giang đến mấy, bạn cũng chỉ có 24 giờ/ngày và 168 giờ/tuần. Liệu cơ hội này có lấy đi khoảng thời gian quý giá, mà đáng ra bạn có thể dành để sống tốt hơn không?

5. Hướng về cảm hứng

Cân bằng công việc và cuộc sống là một lý thuyết vô cùng rủi ro. Bezos cũng biết như vậy. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ TechCrunch, CEO của Amazon đã thừa nhận ông không hứng thú với việc từ bỏ điều này cho một điều gì khác. Ông quan tâm đến niềm cảm hứng của cá nhân ông nhiều hơn là quan điểm từ người khác.

Bạn có thể linh hoạt hơn trong việc thiết kế lịch hoạt động trong ngày. Không phải lúc nào bạn cũng cần cân đối 50% thời gian cho công việc - 50% thời gian cho gia đình vào mỗi ngày cả. Điều bạn cần là đặt ra những thứ tự ưu tiên trong một ngày để đảm bảo nguồn cảm hứng sống không bị cạn kiệt.

Kết

Thực tế, sẽ có những giai đoạn cuộc sống trải ra hàng loạt thách thức cho người kinh doanh. Đôi khi, điều duy nhất bạn cần là cho phép bản thân được thất bại, được nghỉ ngơi để phục hồi và đứng lên đi tiếp. Hãy hướng suy nghĩ về những điều tích cực thay vì liên tiếp bủa vây bản thân trong nỗi e ngại hay lo lắng. Sau cùng, chính thực tiễn sẽ là người thầy lớn nhất của mọi doanh nhân.

Theo Lâm Nghi/Doanh nhân Sài gòn