5 bài học quản trị từ “CEO của thế kỷ” Jack Welch
Jack Welch, vị “CEO tiêu biểu của thế kỷ 20” vừa qua đời ngày 2/3/2020, ở tuổi 84. Ông là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp đạt đến tầm huyền thoại, có triết lý rõ ràng, tài ba và vô cùng sắt đá.
Jack Welch đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành General Electric (GE) từ năm 1981 đến năm 2001. Trong 20 năm lãnh đạo, ông đã tăng doanh thu của công ty từ 27 tỷ đô la lên 130 tỷ đô la, và lợi nhuận hàng năm tăng 600%.
Vào cuối năm 2.000, GE vươn lên trở thành công ty có giá trị nhất trên thế giới với vốn hóa thị trường 475 tỷ đô la Mỹ.
Ông từng rất nổi tiếng với với câu châm ngôn: “Sửa ngay, hoặc giải tán”. Ông cũng thẳng tay cắt giảm tới 400.000 nhân viên của GE chỉ trong vòng 1 quý.
Năm 1999, tạp chí Fortune vinh danh ông là “CEO của thế kỷ”.
Jack Welch là một biểu tượng lãnh đạo trong doanh nghiệp, các nguyên tắc cốt lõi của ông rất cơ bản, mạnh mẽ và trực quan.
1. Hỏi những câu quan trọng
Phần lớn triết lý quản lý của Welch được xây dựng trên chỉ 2 câu hỏi.
Nếu GE chưa có mảng kinh doanh này, liệu có nên tiến vào không?
Nếu không, vậy thì phải làm gì?
Cách tiếp cận này giúp ông tái cấu trúc lại toàn bộ công ty, xử lí các nhóm lợi ích ‘đặc biệt’, con ông cháu cha, quan liêu thái quá và lười biếng hay những mảng kinh doanh thua lỗ.
Tương tự vậy, nếu đang làm tại một công ty mà bản thân không muốn, tại sao chúng ta còn ở đó mà không chuyển sang một công ty khác?
2. “Đồng đội” chứ không phải “nhân viên”
Một trong những nét khiến ông trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại chính là khả năng truyền cảm hứng cho những người theo ông. Ông thường bị cho là “ám ánh” với việc truyền động lực cho những người đi theo ông khi mà ông làm việc đó hằng ngày, giúp họ có động lực để lao về phía trước.
Một người bình thường sẽ khó thấy được vai trò của “người cổ vũ” ở trong công ty là thế nào nhưng thực sự Welch đã nhận trách nhiệm đó rất nghiêm túc như bất kì công việc nào khác.
3. Đặt mục tiêu ưu tiên và liên tục cải thiện
Cứ mỗi 5 năm ông sẽ đánh giá lại những ưu tiên của mình bằng cách tự hỏi những câu như "Cần phải làm gì bây giờ?". Đó chính là cách “buông bỏ” có tổ chức - đánh giá lại những mục tiêu phương hướng dựa trên phân tích thị trường và những triển vọng cho tương lai hơn là gắn với hào quang trong quá khứ.
4.Tự gánh trách nhiệm
Welch là người không ngại đứng ra nhận trách nhiệm cho những công việc quan trọng. Khi có một kết hoạch 5 năm với 3 mục tiêu hàng đầu, ông sẽ tự xếp 1 mục tiêu phù hợp với bản thân để tập trung vào đó trong khi chia những việc còn lại cho nhóm lãnh đạo của công ty.
Nếu một lãnh đạo không trực tiếp đi vào công việc cụ thể mà chỉ chỉ đạo từ trên cao thì dần dần họ sẽ mất đi ý thức về chính hoạt động của doanh nghiệp mình.
5. “Yêu đồng nghiệp” đến chết
Điều cuối cùng xác định triết lý của Welch nằm trong một câu trích dẫn của ông:
"Hãy ra khỏi văn phòng. Ra ngoài và chạm vào mọi người. Nghe, nghe, nghe. Yêu họ đến chết và chạm vào họ, vào trong da của họ. Vui mừng cho họ về những gì họ đang làm. Tạo mục đích cho công việc và cuộc sống của họ. Đó là tất cả. Chúng tôi dành phần lớn thời gian cho những công việc này. Làm cho họ vui vẻ, làm cho họ hứng thú và thưởng cho những người làm công việc bạn yêu cầu họ làm. "
Đó là tóm tắt về một người đàn ông, một nhà lãnh đạo mà chúng ta nên hướng tới, bởi lẽ những nguyên tắc của ông chính là bài học đắt giá nhất cho quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm mang lại cho mọi người giá trị, nhân phẩm và sự công nhận.
Theo Lâm Ngô/Diễn đàn Doanh nghiệp