47% người lao động phải vay tiền sinh hoạt, khám chữa bệnh
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, đời sống người lao động sau dịch Covid-19 vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền sinh hoạt hàng tháng vì không có quỹ dự phòng.
Lương công nhân không đủ sống
Sáng 10/6, hội thảo "Tương lai nào cho người lao động nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội" diễn ra tại TPHCM với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Nhận định tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người lao động.
T.S Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, từ đầu năm đến nay, sự dịch chuyển lao động đang tiến triển tích cực, lao động trong khu vực dịch vụ tăng 39%, công nghiệp và xây dựng tăng 34%. Tình trạng thiếu việc làm cũng đã giảm so với thời gian trước. Thu nhập người lao động cũng tăng so với quý trước dù chưa đáng kể, hiện khoảng 6,4 triệu đồng/tháng.
Theo ông Tiến, với mức thu nhập như hiện nay, công nhân, người lao động hiện đang có cuộc sống bấp bênh. Dù các cơ quan nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động còn chưa được giải quyết như tiền lương thấp, nhà ở khó khăn, an sinh xã hội chưa được đảm bảo.
"Một thực trạng đáng lo ngại là theo đánh giá chung, có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh… Mặt khác, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. Người lao động nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh", TS. Vũ Minh Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng cho rằng, hiện cả nước có khoảng 50 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, tăng nhẹ so với năm ngoái. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm tỷ trọng rất cao đến 95-97% nhưng có một thực tế đáng lo ngại là đối tượng cần đảm bảo an sinh xã hội nhất, cần tham gia BHXH nhất là người thu nhập thấp, người nghèo... thì lại không tham gia.
Nhằm đảm bảo các chế độ cho người lao động khi tham gia BHXH, ông Tiến đề nghị cần tuyên truyền đúng đắn cho người dân để hiểu, đặc biệt là về những thiệt thòi khi rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thay đổi chính sách để đảm bảo an sinh, việc làm cho người lao động hơn.
Kiến nghị sớm điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ngừng hoạt động, hoặc sản xuất với còn dưới 30%, phải thực hiện mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập, tiền lương và đời sống.
Từ khi bắt đầu phát sinh đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021, công đoàn các cấp ở TPHCM đã thành lập 7.260 Tổ an toàn Covid-19 với 30.648 thành viên, 5.382/7.509 đơn vị xây dựng phương án phòng, chống dịch. Tổ chức kịp thời các hoạt động chăm lo cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tại các khu nhà trọ, tạm ngừng việc không hưởng lương và gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tổng cộng đã chăm lo cho hơn 1,4 triệu lao động với kinh phí hơn 185 tỷ đồng.
Nhằm giúp lao động bớt khó khăn, Liên đoàn sẽ chủ động giám sát về thực hiện các chế độ chính sách về lao động, bảo hiểm, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên người lao động. Tổ chức Tài chính vi mô CEP xây dựng các sản phẩm tài chính phù hợp, chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi vay, gia hạn trả nợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn, đa dạng mở thêm các gói sản phẩm mới với mức vay ít (10-20 triệu đồng), thủ tục đơn giản, tăng cường phát vay hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động, chống tín dụng đen.
Liên đoàn Lao động TPHCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022; chỉ đạo các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá mức sống tối thiểu đảm bảo sự phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, để có tiền lương đủ sống cho người lao động.