"40 năm bán giấy, bút, chưa khi nào ế như năm nay"
(Dân trí) - "Khách đặt hàng ít hơn trước nhiều. Tôi bán ở đây đã 40 năm, đây là lần đầu tôi thấy doanh thu giảm hơn một nửa", ông Hoa, tiểu thương tại phố văn phòng phẩm ở TPHCM, nói.
Sức mua giảm 50%
14h, ông Lý Vĩ Hoa (50 tuổi), tiểu thương tại Phố văn phòng phẩm Phùng Hưng (quận 5) vẫn đang nghỉ trưa vì cửa hàng vắng khách. Ông Hoa cho biết, thời gian này nếu ở các năm trước, khách hàng đã đến vây kín tiệm. Nhưng năm nay, ông chỉ có thể trông chờ vào "bạn hàng quen" và khách mua lẻ thỉnh thoảng ghé đến.
Mặt hàng của ông chủ yếu phục vụ việc học tập của học sinh, sinh viên hoặc bán cho các văn phòng làm việc. Nhưng kể cả vào những tháng học sinh nhập học, doanh thu vẫn không bằng cùng kỳ các năm trước.
Gia đình của ông Hoa đã kinh doanh tại tuyến đường này hơn 40 năm, từ đời bố mẹ của ông. Nhưng đây là lần đầu ông thấy việc buôn bán lại khó khăn đến thế.
Vì đây là nguồn thu nhập chính nên khi doanh thu giảm, ông Hoa và gia đình phải sống thật tiết kiệm, chỉ chi tiêu vào những thứ cần thiết.
Song, vì gia đình ông đã kinh doanh lâu đời ở đây, mặt bằng cũng không phải trả tiền thuê nên không chật vật như một số hộ kinh doanh khác.
"Doanh thu giảm hơn một nửa. Tôi không hiểu vì sao khách hàng đặt số lượng ít lại. Ví dụ như giấy thì họ chỉ đặt 5g thay vì 10g như trước", ông Hoa nói.
Theo ông Hoa, một số mối lớn như các công ty trước đây thường đặt hàng cũng đã "biến mất", vì phá sản hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2023 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 158.800 doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Cách đó không xa, chủ cửa hàng Ngôi Sao Việt trên đường Phùng Hưng cũng bộc bạch rằng, lợi nhuận ở cửa hàng chị trong năm nay giảm 20-30% so với năm ngoái. Mặc dù vẫn giữ được các mối khách quen, phần lợi nhuận thu về vẫn không bằng các năm trước.
Bà chủ cho hay, nguyên nhân có thể do các chi phí khác như vận chuyển, bảo dưỡng tăng cao. Ngoài ra, khách hàng cũng đang thắt chặt chi tiêu nên hạn chế mua số lượng lớn ở cửa hàng chị.
Nhân viên ở cửa hàng văn phòng phẩm Thành Công cho hay, doanh thu giảm là khó khăn chung của phần lớn các tiểu thương chuyên doanh trên Phố văn phòng phẩm.
"Điều này đã xảy ra từ đầu năm 2023, khi càng có nhiều người thất nghiệp nên họ cũng hạn chế chi tiêu. Khách chủ yếu là khách vãng lai, các khách quen mua sỉ cũng lấy số lượng nhỏ. May mắn là chúng tôi vẫn giữ được các mối khách ở tỉnh", nữ nhân viên cho hay.
Hi vọng vào năm sau
Dọc trên đường Phùng Hưng có hàng chục cửa hàng văn phòng phẩm nằm san sát nhau. Hễ có ai đi qua, các tiểu thương lại ra sức mời gọi mua hàng, với lời rao bán giá "ưu đãi" để thu hút khách.
Tuy nhiên, phóng viên ghi nhận chỉ có vài cửa tiệm là đang tất bật chuẩn bị hàng giao cho khách. Số còn lại, tiểu thương chỉ rầu rĩ ngồi "ngóng".
Trước đó, ngày 11/11, UBND phường 14 (quận 5) đã tổ chức lễ ra mắt Phố văn phòng phẩm Phùng Hưng. Kể từ khi được thành lập khu phố, chủ cửa hàng Hoàng Triều cho hay tiệm có nhiều người biết đến hơn.
"Mặc dù số lượng không đáng kể nhưng cũng có vài khách mới biết tới. Giờ chúng tôi chỉ hi vọng vào năm sau, mọi người có việc làm trở lại, các công ty cũng phục hồi để việc kinh doanh của chúng tôi tốt hơn", bà chủ chia sẻ.
Hiện nay, TPHCM đã có hơn 2.780 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo thị trường văn phòng phẩm Việt Nam 2023 của Vietdata, quy mô thị trường văn phòng phẩm Việt Nam ước tính đạt 195,35 triệu USD vào năm 2022.
Trong giai đoạn từ 2023 đến 2029, quy mô thị trường cung ứng và văn phòng phẩm Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 8,37%, đạt giá trị 316,41 triệu USD vào năm 2029. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi sự gia tăng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Theo số liệu thực tế, thương hiệu Vĩnh Tiến ghi nhận doanh thu năm 2022 tăng 11% so với năm 2021. Tuy nhiên, so với năm 2020 và 2021, lợi nhuận sau thuế vào năm 2022 lại giảm 150% xuống mức lợi nhuận âm, lỗ gần 400 triệu đồng.
Thương hiệu Campus cũng ghi nhận doanh thu năm 2022 giảm 7,5%; lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 52% vào năm 2022 so với năm 2021. Bên cạnh đó, một số thương hiệu khác như Deli, Hồng Hà cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm.
Với thương hiệu Thiên Long, doanh thu có xu hướng thay đổi liên tục trong giai đoạn 2020 - 2022. Trong năm 2021, doanh thu giảm 16 tỷ đồng so với năm 2020. Con số này tăng 32% vào năm 2022. Về lợi nhuận sau thuế, năm 2022 tăng 45% so với năm 2021.
Ngoài ra, các thương hiệu như Plus, Hải Tiến, Tân Thuận Tiến cũng ghi nhận doanh thu tăng nhẹ so với năm 2020, 2021.