1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

4 lý do nên từ chối lời đề nghị công việc

(Dân trí) - Dẫu biết rằng thời buổi kinh tế khó khăn, nhận được lời đề nghị công việc là quá tốt rồi nhưng nếu có thể kén chọn, bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi gật đầu đồng ý với bất cứ lời đề nghị nào.

Dưới đây là một số lý do bạn nên từ chối lời đề nghị công việc:
Dưới đây là một số lý do bạn nên từ chối lời đề nghị công việc:

Công việc này làm “lệch hướng” con đường sự nghiệp của bạn

Trong tình hình như hiện nay, nhiều người hạnh phúc khi có một công việc và không suy nghĩ quá nhiều về ảnh hưởng của nó tới sự nghiệp tương lai của mình. Nhưng nếu công việc này không nằm trong định hướng nghề nghiệp của bạn hoặc bạn có ít trách nhiệm hơn vị trí hiện tại, các chuyên gia cho rằng đó có thể là lý do bạn nên từ chối lời đề nghị công việc.

“Bạn có nguy cơ làm lệch hướng con đường sự nghiệp của mình nếu chấp nhận “bừa” một công việc”, Pamela Skillings, đồng sáng lập công ty đào tạo Skillful Communications, nói. Bạn cần phân tích kỹ lưỡng công việc này có ảnh hưởng ra sao tới sự nghiệp của mình trong dài hạn.

“Hãy nghĩ xem công việc này sẽ cải thiện vị trí hiện tại của bạn ra sao cũng như nó có thể khiến bạn tiến gần tới mục tiêu dài hạn của mình không. Liệu bạn có thể đạt được những kỹ năng mới, gia tăng trách nhiệm và cơ hội tạo ra sự khác biệt lớn hay không?”, Mark Jaffe, chủ tịch của công ty chuyên “săn” cán bộ cấp cao Wyatt & Jaffe, đưa ra lời khuyên.

Tiền bạc là điểm hấp dẫn duy nhất của công việc

Tiền bạc quan trọng nhưng sự thỏa mãn mới là vấn đề dài lâu. Vì thế nếu tiền bạc là điểm tốt duy nhất của lời đề nghị công việc, bạn nên cân nhắc thật kỹ. “Nếu bạn không đang chết đói, bản thân tiền bạc đã là lý do tồi tệ nhất để chấp nhận công việc. Nếu chấp nhận công việc chỉ bởi tiền, bạn có thể phải khổ sở chịu đựng nó một thời gian và như vậy, bạn khó có thể xây dựng một sự nghiệp thành công.

Ngược lại, nếu bạn chấp nhận công việc với mức lương thấp, điều đó cũng dẫn tới sự bất mãn và cay đắng. “Nếu bạn cảm thấy mình sẽ phải nhận mức lương thấp hơn thị trường hoặc phải làm việc quá nhiều giờ, nó có thể là điều nguy hiểm khi chấp nhận lời đề nghị công việc”, Skilings nói.

Bạn cảm thấy khó có thể tôn trọng sếp tương lai

Các công ty tuyệt vời có một điểm chung, họ có những người lãnh đạo tuyệt vời. Mọi người muốn làm việc với người truyền cảm hứng cho họ và là người họ kính trọng. Nếu bạn không kính trọng hoặc không thích người mình sẽ làm việc cùng, tốt nhất nên từ chối lời đề nghị công việc. Thiếu sự tôn trọng không chỉ khiến công việc bớt vui vẻ mà còn ảnh hưởng tới sự thể hiện của bạn trong công việc.

Tương tự với văn hóa công sở. Skilling khuyên bạn nên chú ý tới môi trường làm việc “nguy hiểm” và nếu bạn nhận thấy điều đó, hãy từ chối lời đề nghị công việc trước khi quá muộn. “Một sếp tồi có thể khiến công việc của bạn trở thành ác mộng. Bạn phải đánh giá cẩn thận liệu mình có thể làm việc với người đó hàng ngày không”. Dấu hiệu dễ nhận thấy của một công ty có vấn đề về văn hóa là dù có lợi nhuận cao nhưng nhân viên lại thường xuyên nghỉ việc chỉ sau một thời gian ngắn.

Bạn cảm thấy xấu hổ khi phải làm việc ở đó

Mọi người phải tự hào về nơi mình làm việc. Nếu bạn không tự hào về tổ chức đem lại cho bạn công việc hay bạn thấy xấu hổ khi nói với bạn bè, người thân mình làm việc ở đó, bạn nên cân nhắc lại việc chấp nhận lời đề nghị. “Nếu công ty có danh tiếng xấu, đó là một dấu hiệu cảnh báo. Thậm chí nếu đó là một công việc có chức vụ cao, nhưng bạn vẫn cảm thấy xấu hổ khi làm việc đó, bạn sẽ không thể làm việc lâu dài”, Jaffe nói. Theo Jaffe, văn hóa và giá trị công ty đồng hành cùng giá trị mang lại thành công cho bạn. Bởi vậy, hãy suy nghĩ kỹ.

Vũ Vũ

Theo Glassdoor