1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

3 phương pháp tập trung để tăng hiệu suất làm việc

Brendon Burchard là một tác giả người Mỹ chuyên viết về động lực, hiệu suất làm việc và tiếp thị trực tuyến, là bestselling số 1 của New York Time và Wall Street Journal.


Brendon Burchard - tác giả chương trình The Charged Life trên kênh Ora TV của Mỹ

Brendon Burchard - tác giả chương trình The Charged Life trên kênh Ora TV của Mỹ

Trải nghiệm trong và sau vụ tai nạn suýt chết ở tuổi 19 chính là nguồn cảm hứng để Burchard trở thành một tác giả được yêu thích. Burchard là người sáng lập Experts Academy và High Performance Academy. Cả hai chương trình đào tạo này cung cấp cho học viên những bài học trong kinh doanh, tâm lý học, năng suất, và kỹ năng thuyết phục. Trong năm 2016 Burchard ra mắt chương trình The Charged Life trên kênh Ora TV.

Nội dung dưới đây được tóm lược từ bài nói chuyện của Brendon Burchard về chủ đề “Làm thế nào để giữ được sự tập trung” (phát trên kênh Ora TV).

Ở bất kỳ thời điểm nào, sự tập trung điều khiển mọi thứ, từ suy nghĩ đến cảm xúc của bạn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, mà điều quan trọng đó là trải nghiệm chất lượng tốt nhất của cuộc sống.

Nếu bạn tập trung vào những điều tiêu cực, bạn sẽ trở nên bi quan. Nếu bạn không thể tập trung vào những việc quan trọng, chất lượng cuộc sống của bạn sẽ bị tác động.

Làm thế nào để có được sự tập trung hiệu quả? Sau đây là một số phương pháp bạn có thể áp dụng.

1. Đầu tiên, cần tạo ít quyết định đi

Vì sao? Những kiến thức khoa học thần kinh và nghiên cứu về năng suất làm việc cho thấy, chúng ta càng đưa ra nhiều quyết định, não bộ sẽ càng trở nên mệt mỏi. Việc phải đưa ra nhiều quyết định khiến chúng ta vận động hết công suất chức năng chuyển hóa đường glucose, cái mà đáng ra sẽ được sử dụng để tạo năng lượng cho trí lực - công cụ hỗ trợ bảo đảm chất lượng quyết định được tốt hơn.

Bạn càng phải quyết định nhiều thứ thì sự hoàn hảo của những quyết định sẽ càng giảm dần, bởi vì bạn phải sử dụng hết khả năng và tài nguyên não bộ. Cứ thế, trí lực của bạn sẽ biến mất.

Vì thế, bạn cần giảm số lượng quyết định phải đưa ra trong cùng một thời điểm. Bằng cách nào? Sau đây là một vài phương án đơn giản:

Một, ngừng việc xem xét tất cả mọi thứ. Mọi điều nhỏ nhặt mà bạn dành một phần tập trung vào đều đang lấy đi những tài nguyên quý giá của não bộ. Và sau một khoảng thời gian, khi mà bạn đã dừng việc xem xét và trở lại tập trung vào một điểm nhất định, bạn sẽ cảm thấy thật khó khăn để chỉ tập trung vào một việc duy nhất, và không thể hoàn thành công việc.

Khi cần làm một điều gì đó, hãy làm nó một cách có chủ ý. Nếu bạn cần tìm kiếm một mẩu thông tin trên mạng, hãy tìm nó và sau đó thoát ra ngay lập tức. Hãy dừng nhấn lên mọi đường link, dừng lướt qua hàng loạt app và hình ảnh.

2. Nhận thức rõ nhiệm vụ của mình

Hãy liệt kê những nhiệm vụ mình cần hoàn thành ngày hôm nay. Bạn cần có một mục đích rõ ràng về nhiệm vụ tiếp theo mình phải thực hiện. Hãy nhận thức rõ, thật rõ nhiệm vụ, và lập kế hoạch dựa trên đó.

Đối với những việc ngoài lề, hãy nói “Không” cho đến khi bạn hoàn thành nhiệm vụ, hoặc khi bạn đã đi được phần lớn đoạn đường và có dư “tài nguyên” (sự tập trung) dành cho những thứ ít quan trọng hơn đó.

Nhiều người đảm nhiệm quá nhiều dự án vì họ không rõ nhiệm vụ của mình là gì. Ngày hôm nay, ngay bây giờ, nếu bạn không có một động lực, một nhiệm vụ, một câu nói thúc đẩy về điều cần hoàn thành hôm nay, một danh sách những điều cần thiết, một bản liệt kê mục tiêu, một thời gian biểu, bạn sẽ luôn ở trạng thái bị động, luôn phải trả lời người khác. Sự thiếu chủ động sẽ khiến bạn nhận thất bại.

Và, sự tập trung sẽ bị lãng phí nếu bạn không trở nên tiến bộ hơn. Nếu bạn không thể tiến gần hơn đến một mục tiêu thì có nghĩa là bạn đang lãng phí sự tập trung.

Nếu bạn muốn tập trung hơn trong cuộc sống, hãy cố gắng trở nên tiến bộ hơn. Càng tiến lên phía trước được bao nhiêu thì bạn sẽ càng hứng thú bấy nhiêu. Bạn sẽ bắt đầu tập trung hơn vào mục tiêu muốn đạt được và tự thúc đẩy được bản thân. Từ đó bạn lại tạo được sự tập trung tốt hơn.

3. Nói không với tất cả mọi thứ

Hãy nói “không” với một việc gì đó trước, để có thể kiểm tra lại xem nó có hỗ trợ cho mục tiêu của bạn hay không. Đừng chấp nhận lập tức và đầu tư ngay vào mọi dự án. Hãy dành cho mình một vài giờ nghỉ ngơi hay một buổi tối thư giãn. Bạn có thể đưa ra quyết định vào ngày hôm sau.

Nếu nghĩ về thời gian, sức lực, tài nguyên, sự cố gắng, và tinh thần cần bỏ ra cho một việc nào đó, bạn nên nhận về được nhiều hơn khoản mà bạn đầu tư cho nó - một thứ giá trị cho hiện tại hoặc tương lai hơn, như sự hoàn thiện bản thân hoặc sự cải thiện trong lối sống từ nó.

Khi đã bắt đầu tập trung làm một việc gì đó, hãy đảm bảo nó sẽ mang lại kết quả tốt - niềm đam mê thật sự của bạn, tình yêu đích thực, tâm hồn hoàn thiện. Bằng không, câu trả lời của bạn nên là “không”.

Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn để xem xét và cân nhắc các tiêu chuẩn đã đặt ra trong cuộc sống nếu muốn có được sự tập trung tuyệt đối. Nhiều người chấp nhận làm tất cả mọi việc và không bao giờ để tâm đến tiêu chuẩn nhất định để cân nhắc có - không, tốt - không tốt, đúng - sai. Và bởi vì không có tiêu chuẩn riêng, họ không có cơ sở nào để ra quyết định cả. Họ nói có với quá nhiều thứ. Họ có quá nhiều việc cần làm. Họ phải tập trung vào quá nhiều điều nên họ không thể tiến về phía trước được.

Việc bạn cần làm là quay trở lại trạng thái đơn giản nhất của cuộc sống. Tập trung vào những thứ đơn giản nhất đối với bạn.

Để tập trung vào cái mà chúng ta gọi là bản thể hay sự mộc mạc, để đảm bảo bạn chỉ tập trung vào một hoặc hai việc quan trọng nhất ở một thời điểm, bạn không nên để bị phân tâm bởi những việc khác, như nhấn vào mọi đường link, làm những việc người khác bảo bạn làm, và trả lời người khác. Như vậy bạn mới có thể tiếp tục tiến lên trong cuộc sống, ngày qua ngày, từng chút một.

Tóm lại, hãy làm những việc mà bạn quan tâm, yêu thích, muốn thưởng thức; nói không với những thứ khác, đi trên con đường bạn chọn, từng giây phút một, tiến về những lựa chọn sẽ hoàn thiện tâm hồn bạn.

Theo Taylor Nguyen/Doanh nhân Sài gòn