28 triệu lao động ở ASEAN nguy cơ bị trí tuệ nhân tạo thay thế

Trong 10 năm tới, sẽ có khoảng 28 triệu người (hơn 10% tổng lực lượng lao động) bị ảnh hưởng công việc do vị trí thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI).

Trao đổi tại phiên thảo luận về "Tương lai việc làm của ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018 sáng nay (13/9), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh cho cả doanh nghiệp nội địa và nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân tự tạo công ăn việc làm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải làm đồng thời hai việc, đó là cùng với việc tạo điều kiện để người dân tự tạo công ăn việc làm, phải tạo ra khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp, các đơn vị khởi nghiệp phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại WEF ASEAN 2018.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại WEF ASEAN 2018.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ rằng, ở Việt Nam, nhiều người làm 2 nghề: 1 nghề chính và 1 nghề "tay trái". Do đó, người lao động Việt Nam có thể tự chủ được công việc trong nhiều hoàn cảnh, kể cả khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.

Trước đây, nghề "tay trái" chỉ giúp gia tăng thu nhập một phần, nhưng ngày nay, có khi nghề phụ lại mang lại nguồn thu lớn hơn cả nghề chính. Vì vậy, người lao động cần có thêm tay nghề phụ và biến nó thành một kỹ năng công việc của mình, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Theo kết quả nghiên cứu của hãng công nghệ Cisco (Mỹ), vấn đề việc làm sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ trí tuệ nhân tạo (AI). Nghiên cứu chỉ ra rằng, sẽ có sự dịch chuyển lớn về mô hình hoạt động, nhiều kỹ năng trong tương lai trở nên dư thừa.

Ông Naveen Menon, Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN cho biết, Singapore sẽ là quốc gia có tỷ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là Việt Nam và Thái Lan.

Trong số khoảng 630 triệu dân ở khu vực ASEAN, 10 năm tới sẽ có 28 triệu (tương đương 10,2% tổng lực lượng lao động) bị ảnh hưởng công việc do vị trí thay thế bởi AI.

Cisco dự báo, AI sẽ tạo ra thêm 4,5 triệu công việc mới tại khu vực ASEAN trong vòng một thập kỷ tới, trong đó 1,8 triệu việc tạo ra trong ngành bán buôn bán lẻ; 0,9 triệu việc trong ngành chế tạo; 1 triệu việc trong ngành xây dựng; 0,4 triệu việc trong khối khách sạn, nhà hàng, một số ngành dịch vụ khác...

Ông Naveen Menon cho rằng, trong số 28 triệu lao động sẽ có 6,6 triệu với các kỹ năng không còn cần thiết trong tương lai. Họ sẽ phải dịch chuyển ngành nghề, học kỹ năng mới về giải quyết vấn đề, xử lý công việc hoặc chuyển sang nước khác để làm việc.

Cisco khuyến cáo các quốc gia, doanh nghiệp cần tạo điều kiện để người lao động có cơ hội được đào tạo lại để chuẩn bị những kỹ năng sẵn sàng cho sự thay đổi công việc.

Theo nhận định của PricewaterhouseCoopers (PwC), như nhiều quốc gia khác trong khu vực, cải thiện trình độ lao động là thách thức của Việt Nam thời CMCN 4.0.

Ở phiên thảo luận với chủ đề "Điều gì đang đón đợi các nền kinh tế ASEAN" tại WEF ASEAN 2018, ông David Wijeratne, Giám đốc Trung tâm Thị trường mới nổi của PwC, cho rằng, cách mạng 4.0 mang đến cơ hội cho sự thay đổi, nhưng đồng thời cũng tạo nên những thách thức.

Các nền kinh tế đang phát triển của khu vực ASEAN sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về suy giảm kinh tế ngắn hạn, dân số già hóa, sự phụ thuộc quá mức vào ngoại thương cũng như khoảng cách khá lớn về mặt cơ sở hạ tầng và thể chế quốc gia. Một trong những vấn đề cần quan tâm nhất là việc cải thiện năng suất lao động.

Theo VOV.VN