2 startup Nhật "sống khỏe" nhờ... cách kinh doanh cũ

Các doanh nghiệp Nhật Bản được bắt nguồn kinh doanh từ truyền thống theo cách khác hẳn những quốc gia khác, chẳng hạn như việc khăng khăng sử dụng máy fax trong hoạt động giao dịch là ví dụ điển hình.


Ảnh minh họa. Nguồn: Halfrain

Ảnh minh họa. Nguồn: Halfrain

Tuy nhiên, việc giải quyết được một số khoảng trống giữa cách truyền thống và hiện đại trong kinh doanh đang mở ra những cánh cửa cơ hội cho các công ty khởi nghiệp địa phương.

Bài viết này xin giới thiệu hai trong số những công ty khởi nghiệp Nhật Bản thành công từ chính các cánh cửa cơ hội này dành cho họ tại đất nước mặt trời mọc.

Freee: hỗ trợ kế toán doanh nghiệp

Công ty Freee được thành lập nhằm mục đích giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ quan tâm tới vấn đề kế toán và tiền lương của họ bằng cách sử dụng phần mềm trực tuyến của Freee.

Giờ đây, công ty đang giải quyết nhiều vấn đề hơn cho các khách hàng nhờ ra mắt dịch vụ như thẻ Freee - một dịch vụ thẻ tín dụng trực tuyến dành cho những hãng còn quá nhỏ để thuyết phục các ngân hàng phát hành thẻ công ty cho họ.


Daisuke Sasaki - CEO Freee. Nguồn: Tech in Asia

Daisuke Sasaki - CEO Freee. Nguồn: Tech in Asia

Ông Daisuke Sasaki - CEO của Freee - cho biết: “Thực sự rất quan trọng để có được trải nghiệm thực tế trong những vấn đề bạn đang phát triển. Do đó, khi chúng tôi bắt đầu mở công ty của mình, chúng tôi đã không đủ điều kiện để có được một tấm thẻ đó”.

Ngoài ra, các dịch vụ khác bao gồm một công cụ dành cho những hãng đầu tư vốn mạo hiểm đánh giá khả năng tài chính của người tiếp nhận đầu tư bằng cách sử dụng nền tảng kế toán của Freee.

Và hơn hết thảy, Freee đang tập trung phát triển vào trí tuệ nhân tạo để cho phép ra quyết định kinh doanh đối với các khách hàng của họ. Điều này sẽ cho phép công ty hướng tới những khách hàng lớn hơn.

Và trong khi Freee đã chứng tỏ được hiệu quả của việc cung cấp một nền tảng trực tuyến về kế toán thương mại, việc quản lý và quyết định tự động vẫn đang ở giai đoạn đầu. Thành công phụ thuộc vào việc tập hợp và phổ biến số lượng và chất lượng đúng của dữ liệu.

Vì vậy, ông Sasaki cho biết, từ đội ngũ phát triển mạnh mẽ xấp xỉ 100 người, khoảng 1/5 được công ty xác định tập trung vào nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, Freee đang phục vụ hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản và đã huy động vốn thành công với tổng trị giá 82,8 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm SBI Holdings và Quỹ Mirai Creation của Toyota.

Raksul: Hỗ trợ xuyên biên giới

Việc giải quyết các vấn đề truyền thống có thể cũng giúp được những doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh vượt ra khỏi Nhật Bản, đưa đến cho họ cách tiếp cận và phát triển được ở những thị trường nước ngoài.

Do đó, Raksul đã tạo ra một doanh nghiệp in ấn trực tuyến nhằm cung cấp cho các công ty nhỏ hơn sự tiếp cận dễ dàng hơn cùng chi phí rẻ hơn đối với các tài liệu được in ấn, chẳng hạn như tờ rơi quảng cáo hay những phiếu giảm giá cho các nhà hàng nhỏ.


Yasukane Matsumoto - CEO Raksul. Nguồn: Tech in Asia

Yasukane Matsumoto - CEO Raksul. Nguồn: Tech in Asia

Nhà sáng lập kiêm CEO của Raksul - ông Yasukane Matsumoto - đã xác định nhu cầu này và đưa ra hướng giải quyết mà không cần công ty thực sự sở hữu bất cứ thiết bị in ấn nào. Nhờ vậy, giúp công ty giảm thiểu được tối đa chi phí.

Ông Matsumoto chia sẻ: "Tôi bắt đầu ra mắt công ty vào năm 2009 và khi đó không có bất cứ khoản đầu tư nào hậu thuẫn". Tuy nhiên, nhờ kết nối những người cần các tài liệu được in với những doanh nghiệp tổ chức in ấn có trả phí, công ty hiện đang có số vốn đạt hơn 75 triệu USD.

Năm 2015, Raksul cũng cho ra mắt dịch vụ logistics có tên Hacobell, là hoạt động kết nối phù hợp các công việc chuyển hàng với những công ty chuyển phát. Ông Matsumoto cho biết, công việc này hoàn toàn không phải là một bước nhảy vọt so với việc kết nối những công việc in ấn với các nhà in, cho nên nó đã tạo được ý nghĩa, ít nhất là đối với ông. “Khi tôi trình bày ý tưởng này, mọi người đã rất nghi ngờ. Nhưng giờ đây thực sự nó đã thành công”, ông Matsumoto nói.

Sau đó, ông Matsumoto đã chuyển hướng tập trung vào việc mở rộng hoạt động ở thị trường nước ngoài, nhắm tới những quốc gia như Indonesia - nơi Raksul đã có mặt từ 2 năm trước thông qua một khoản đầu tư vào công ty khởi nghiệp về in ấn địa phương có tên Prinzio.

Tương tự, ông Matsumoto cũng muốn đưa công ty tới những quốc gia như Việt Nam thông qua các đối tác địa phương. Ông không ngại việc đưa Raksul sang Việt Nam bị chậm bởi vì ông cảm thấy nơi đây sẽ trở thành thị trường “hot” tiếp theo trong vòng 5 - 10 năm tới. Cho nên, “chúng tôi muốn gieo trồng những hạt giống, bắt đầu ở quy mô nhỏ và sau đó làm cho chúng tồn tại bền vững”, ông bộc bạch.

Theo Doanh nhân Sài gòn