16 nhà giáo đoạt giải nhất tại Hội giảng giáo dục nghề nghiệp
(Dân trí) - Sau 6 ngày tranh tài tại Hà Nội, Hội Giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đầu tiên từ khi Bộ LĐ-TB&XH thống nhất quản lý giáo dục nghề nghiệp, đã kết thúc tối 21/9. Ban tổ chức đã trao 16 giải nhất, 32 giải nhì và 48 giải ba tới các nhà giáo dự thi.
Hội giảng lần này được tổ chức từ ngày 15-21/9 với thông điệp “Đổi mới phương pháp sư phạm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”; “Thực tâm, thực tài, thực nghề; gương mẫu, sáng tạo, đổi mới”.
Hội giảng là cơ hội để các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ở mọi miền đất nước, thuộc nhiều ngành nghề, nhiều loại hình cơ sở đào tạo giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng sư phạm.
Tham gia Hội giảng có 56 tỉnh, thành phố, với 373 bài giảng của 90 nghề, tập trung vào các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn, vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế vừa phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại như nghề: Công nghệ thông tin, công nghệ Kỹ thuật cơ khí, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, quản trị Khách sạn, nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, điều dưỡng, may và thiết kế thời trang, nông lâm nghiệp.
Sau 6 này tranh tài, Hội giảng đã lựa chọn được: 1 bài giảng điển hình về ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả; 1 bài giảng về sử dụng thiết bị giáo dục nghề nghiệp tự làm hiệu quả nhất; 15 bài giảng toả sáng về kỹ năng nghề và phương pháp sư phạm của 15 nhà giáo trẻ tuổi nhất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Cờ thi đua tới các đoàn dự thi. (Ánh: Dũng Mạnh)
Ban tổ chức đã trao 256 giải khuyến khích; 48 giải ba, 32 giải nhì, đặc biệt có 16 giải nhất và 7 tỉnh, thành phố đạt giải nhất, nhì, ba toàn đoàn.
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, nhiều thầy giáo, cô giáo đã nắm vững kiến thức kỹ năng chuyên môn và tỏa sáng “nghệ thuật” sư phạm, Hội giảng lần này được tổ chức với nhiều nét mới như, lần đầu tiên BTC Hội giảng đã tổ chức livestream các bài trình giảng và công bố công khai kết quả đánh giá bài trình giảng của nhà giáo vào cuối mỗi buổi đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất cao không chỉ của các nhà giáo có bài trình giảng mà còn đòi hỏi tính trách nhiệm, sự tập trung rất lớn của các giám khảo và Ban tổ chức, góp phần tăng thêm sự khách quan, công bằng và minh bạch của Hội giảng.
Có được kết quả trên là do sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH về Hội giảng, sự quyết tâm, đồng lòng của Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.
Ban Tổ chức và các thầy giáo, cô giáo đã tuân thủ mọi quy định của Hội giảng với quyết tâm “Tất cả cho Hội giảng đổi mới, ấn tượng và chất lượng”.
Hoàng Mạnh