10 từ ngữ nên tránh trong lý lịch xin việc

(Dân trí) - Thay vì cứ ba hoa mình là một “nhân viên chăm chỉ”, bạn có thể làm mới hồ sơ xin việc chỉ với một bài tập tìm kiếm và thay thế các từ ngữ rất đơn giản ngay sau đây.

Hãy loại bỏ khỏi hồ sơ xin việc của bạn những từ ngữ sáo mòn, cũ kỹ như thế này:
 
1. Nổi bật

2. Hiệu quả

3. Mạnh mẽ

4. Ngoại lệ

5. Giỏi

6. Tuyệt vời

7. Tham vọng

8. Đam mê

9. Có kinh nghiệm

10. Năng động

“Hãy để ý tới những từ ngữ không có thêm các dẫn chứng cụ thể hỗ trợ. Bạn cứ bảo rằng mình là một nhà quản lý tuyệt vời, nhưng làm cách nào chúng tôi biết đó là sự thật”. Đó là lời khuyên của một chuyên gia tư vấn việc làm của Mỹ.

Những danh từ đi ngay sau các tính từ nói trên có thể cũng hoàn toàn vô nghĩa. Bất cứ ai cũng từng có một đồng nghiệp sẵn sàng tuyên bố mình là người có tinh thần làm việc nhóm. Tuy nhiên, “Hãy đừng nói bạn là một người giỏi đàm phán hay có kỹ năng giao tiếp tốt. Ai mà không có những kỹ năng đó chứ?”,  Susan Ach, chuyên gia tư vấn việc làm tại đại học Marymount Manhattan, New York chia sẻ.

Có một cách tốt hơn bạn có thể áp dụng là chỉ mô tả những thành thích của mình và để cho nhà tuyển dụng tự đánh giá. Bạn hãy đưa ra những cứ liệu cụ thể (những cái phù hợp với công việc ứng tuyển thì càng tốt) về những điều bạn đã làm để chứng tỏ bạn là một “nhân viên bán hàng hiệu quả”.

Cũng như thế, hãy dẫn ra những lời bình luận từ các nhà quản lý cấp trên cho thấy, tại sao họ xem bạn là một “nhà lãnh đạo có năng lực”. Liệt kê ra những giải thưởng hay các hình thức ghi nhận thành tích khác của bạn cũng là một cách chứng minh có hiệu quả với nhà tuyển dụng.

Bạn cũng nên tránh một vài từ ngữ vì chúng có thể mang sẵn ý nghĩa mà các nhà tuyển dụng thường cho rằng bất cứ ai muốn được tuyển dụng cũng sẽ dùng. “Bạn có tinh thần làm việc à? Hy vọng thế. Một nhân viên tốt ư? Thật vui khi biết điều đó, tất nhiên là tôi không muốn thuê một nhân viên tồi rồi”, đó là quan điểm của chuyên gia tư vấn việc làm Couper. Đừng lãng phí những không gian hiếm hoi quý giá trong lý lịch xin việc của bạn bằng những từ ngữ vô ích như vậy.

Một kiểu từ ngữ khác bạn cũng nên tránh là những từ cho thấy bạn đang cố tìm cách né tránh sự thật trước nhà tuyển dụng. Chuyên gia Mathison cho rằng, việc sử dụng những từ như “có kinh nghiệm” thay cho “trên 50 tuổi” hay “năng động” thay cho “thiếu kinh nghiệm” có vẻ như muốn gây cách hiểu mù mờ với nhà tuyển dụng. Do đó, bạn hãy tập trung vào những gì khiến bạn thực sự phù hợp với công việc đang ứng tuyển.

10 từ ngữ nên tránh trong lý lịch xin việc - 1

Và dưới đây là 10 cụm từ có thể tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng để bạn tham khảo:

1. Đã tạo ra

2. Đã làm tăng

3. Đã làm giảm

4. Đã cải thiện

5. Đã phát triển

6. Đã nghiên cứu

7. Đã đạt được

8. Đã giành thắng lợi

9. Đúng giờ

10. Tiết kiệm chi phí

Chuyên gia Ach cũng cho rằng: “Chúng tôi khuyến khích những người viết lý lịch xin việc nên thêm vào những từ mang tính chủ động trong khi miêu tả công việc của họ”.

Những động từ đó sẽ làm nổi bật hình ảnh một ứng viên với nền tảng chắc chắn và có các sáng kiến để hoàn thành công việc. Nhà tuyển dụng có thể dễ dàng hiểu được những gì bạn đã đạt được trong quá khứ và có thể coi đó như một cơ sở hướng tới những thành công trong tương lai với công ty họ. Hãy thử nghĩ thế này, nếu bạn là nhà tuyển dụng, liệu bạn sẽ muốn tuyển một người nào đó chỉ đơn thuần tự cho mình là “nhà quản lý hiệu quả”, hay bạn sẽ lưu tâm hơn đến người cho bạn biết qua lý lịch rằng, công việc gần đây nhất của họ là đã giúp “tăng lợi nhuận của công ty lên 3%”, hay “giảm được tỉ lệ phải luân chuyển nhân viên ở mức tốt nhất trong năm năm”, và “phổ biến thêm được hình ảnh công ty qua việc ứng dụng một chiến lược truyền thông đa phương tiện xã hội mới”?

Điều cuối cùng, bạn sẽ thuận lợi hơn nếu sử dụng những động từ và danh từ vốn quen thuộc trong lĩnh vực ngành nghề ứng tuyển cụ thể. Bởi điều đó chứng tỏ bạn quen thuộc với ngôn ngữ chuyên môn và cách này cũng sẽ giúp bạn lọt qua vòng sơ loại hồ sơ nếu họ sử dụng phương thức rà soát những từ khóa (keyword) trong lý lịch xin việc. Nhưng bạn lại cũng cần nhớ rằng, mọi công ty đều có xu hướng nói một thứ “ngôn ngữ chung” là họ đều quan tâm đến vấn đề tiền bạc.

Do đó, những thuật ngữ kiểu như “đúng giờ”, “tiết kiệm chi phí” sẽ luôn trở nên hiệu quả và có tác động đến nhà tuyển dụng. Họ luôn muốn biết rằng bạn có thể hoàn thành công việc cho họ với mức chi phí tối thiểu nhất. Do đó, bạn hãy nói với họ về những gì có thể khiến bạn trở thành lựa chọn sinh lời nhất với họ, chắc chắn, nhà tuyển dụng sẽ dành cho bạn một từ giá trị nhất là “tuyển dụng”.

Đỗ Dương
Theo Careerbuilder