10 nhóm ngành nghề cần nhân lực nhất tại TPHCM

(Dân trí) - Qua 2 năm (2010 - 2011) thu thập thông tin về nhu cầu nhân lực của thị trường lao động TPHCM, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM xây dựng danh sách 10 nhóm ngành nghề cần nhân lực nhất trong 5 năm tới.

Cụ thể bao gồm các nhóm ngành: Hóa – hóa chất – y, dược, mỹ phẩm; Cơ khí – luyện kim – công nghệ ô tô xe máy; Công nghệ thông tin – điện – điện tử - viễn thông; Xây dựng – kiến trúc – giao thông vận tải; Chế biến thực phẩm; Dịch vụ - phục vụ - du lịch – giải trí – nhà hàng – khách sạn; Marketing – nhân viên kinh doanh – bán hàng; Tài chính – ngân hàng – kế toán – bảo hiểm; Quản lý – hành chánh văn phòng; Dệt – may – giày da – thủ công mỹ nghệ.

10 nhóm ngành nghề cần nhân lực nhất tại TPHCM - 1
Marketing – nhân viên kinh doanh – bán hàng là một trong 10 nhóm ngành cần nhiều nhân lực trong thời gian tới

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung Tâm thì đây là những nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao, mỗi ngành nghề chiếm tỷ lệ 6% - 8% trong tổng hợp nhu cầu nhân lực hàng năm của thành phố trong thời gian 5 năm tới.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Thị trường lao động thành phố đang tồn tại nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, nhưng đồng thời cũng có nhiều doanh nghiệp tìm không ra lao động”.

Theo ông, nguyên nhân tồn tại nghịch lý trên là do chênh lệch cơ cấu ngành nghề giữa nguồn cung (đào tạo) và nguồn cầu (doanh nghiệp), chất lượng đào tạo và mức tiền lương.

Trong đó, sự chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu thực tế là nghiêm trọng nhất. Có những ngành nghề doanh nghiệp cần nhưng ít người học dẫn đến thiếu nhân lực. Có những ngành nghề học viên đổ xô vào học, vượt quá nhu cầu thị trường lao động nên một bộ phận ra trường không tìm được việc làm đúng ngành mình học, thậm chí phải thất nghiệp.

Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, chỉ có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp ngay, còn 20% còn lại tìm việc làm rất khó khăn, phải chấp nhận làm việc trái ngành hoặc công việc thấp hơn trình độ đào tạo.

Tùng Nguyên