1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thất nghiệp đi làm "cò đất", bất động sản thiếu nhân lực chuyên nghiệp

Hoài Nam

(Dân trí) - Bất động sản là lĩnh vực có nhu cầu về nhân sự rất lớn. Tuy nhiên thực trạng, nhiều "tay ngang" làm nghề theo kiểu "ăn xổi", thiếu nhân lực chuyên nghiệp.

Chủ yếu là "cò"

Sau gần 3 năm tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin nhưng việc không ổn định, thu nhập thấp, gần đây Nguyễn Minh Toàn, 26 tuổi, ở Bình Thạnh, TPHCM xuất hiện với hình ảnh người môi giới bất động sản (BĐS) nhà đất ăn mặc chỉn chu, bảnh bao. 

Thấy Toàn thất nghiệp nhàn rỗi, một người bạn rủ làm môi giới BĐS. Anh bạn khen, Toàn có biệt tài khéo ăn khéo nói, kiểu gì cũng sớm "lên đời" nếu theo ngành này. 

Thất nghiệp đi làm cò đất, bất động sản thiếu nhân lực chuyên nghiệp - 1

Nhân viên bất động sản tại TPHCM giới thiệu các nhà đất qua hình thức phát tờ rơi 

Mới đầu, Toàn ngại ngần mình không có kiến thức, chuyên môn. Đánh liều thử cho biết, cậu thấy, hóa ra đội ngũ sale phần lớn xuất thân giống mình: Thất nghiệp hoặc mới ra trường chưa xin được việc.   

Họ được training các khóa ngắn hạn cơ bản về quy trình môi giới, về

Theo số liệu của Hội môi giới BĐS, hiện nay, cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề.

pháp luật, thị trường, đầu tư, về sàn giao dịch và ứng dụng vào thực tế.

Công việc chính của bộ phận trực tiếp như Toàn là phát tờ rơi, tiếp cận khách qua mạng xã hội, điện thoại làm mọi cách để... bán được dự án. 

Trong chuyên đề về bất động sản và người trẻ gần đây ở TPHCM, bà Tara Le, CEO Công ty CP BĐS Keller Williams Việt Nam chia sẻ, nghề môi giới BĐS tại Việt Nam là một nghề khá hấp dẫn với người trẻ bởi thu nhập cao.

Tuy nhiên, đa phần dân sale mới vào nghề hiện nay đều vì không xin được công việc đúng chuyên ngành nên xin sang nghề này, với lối suy nghĩ làm tạm bợ, không có mục tiêu. Chính những người làm nghề cũng chưa trân trọng công việc hay có hướng đầu tư phát triển lâu dài. 

Thất nghiệp đi làm cò đất, bất động sản thiếu nhân lực chuyên nghiệp - 2

Các bạn trẻ trong một chương trình tư vấn về nhân lực ngành bất động sản 

Bà Trần Minh Ái, Giám đốc cấp cao Tập đoàn BĐS Savills cho biết, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực BĐS rất đông, nhưng phần lớn là đội ngũ "cò", còn đội ngũ được đào tạo chuyên nghiệp rất hiếm. 

"Hai nguồn nhân lực chính trong nghề BĐS ở Việt Nam hiện nay là từ nước ngoài về hoặc doanh nghiệp tự đào tạo. Doanh nghiệp tự đào tạo nghiêng về training, dù sao nhân sự vẫn thiếu hụt nền tảng, định hướng từ đầu", bà Ái cho biết.  

Cần lực lượng chuyên nghiệp 

Nhu cầu nhân lực BĐS cao nhưng đội ngũ được đào tạo chuyên môn rất ít nên "cò" vẫn "rộn đất" để làm nghề . Chưa kể thiếu những nơi đào tạo, thiếu nguồn nhân lực nên không ít doanh nghiệp cũng dễ dãi trong tuyển dụng đầu vào, cứ ai "muốn" và "máu" là có thể làm BĐS.

Cách làm việc việc kiểu chụp giật, tạm bợ, nghĩ đơn giản môi giới BĐS... là "hốt" ra tiền của nhiều người làm nghề kéo theo nhiều biến động của thị trường. Chưa kể, hình ảnh người môi giới cũng trở nên méo mó, phản cảm với nhiều người. 

Trước tình trạng thiếu nhân lực chuyên nghiệp, hiện nay nhiều doanh nghiệp BĐS đi theo hướng chủ động tiếp cận, phối hợp với các cơ sở đào tạo mở ngành, đào tạo về lĩnh vực này. 

Thất nghiệp đi làm cò đất, bất động sản thiếu nhân lực chuyên nghiệp - 3

Nhiều doanh nghiệp kết hợp với các cơ sở đào tạo để tạo nguồn nhân lực bất động sản 

Bà Trần Minh Ái cho biết mới đây, doanh nghiệp của bà hợp tác với Trường ĐH Văn Lang mở ngành BĐS từ năm học 2020-2021. Qua đó, thực hiện chương trình đào tạo ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo cử nhân, thạc sỹ ngành BĐS. 

Bà Ái cho biết, BĐS thường bị hiểu hạn hẹp là bán nhà chứ trong đó có rất nhiều ngành nghề  như quản lý khách sạn, quản lý tòa nhà, định giá, đầu tư, pháp lý... Mỗi một lĩnh vực cần kiến thức, kỹ năng, yêu cầu khác nhau. 

Một số doanh nghiệp BĐS cũng kết nối với các trường trung cấp, cao đẳng, nhất là những trường đào tạo về nông nghiệp, xây dựng, quản lý khách sạn... đưa các bộ môn về lĩnh vực BĐS hay các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm "đặt hàng" nguồn nhân lực. 

Bà Tara Le nhấn mạnh, thời kỳ sale BĐS hành nghề một cách dễ dãi, chộp giật sẽ phải khép lại. Khách hàng ngày càng khó thuyết phục, đòi hỏi người làm trong lĩnh vực BĐS phải thật sự có kiến thức, tầm nhìn, nghiêm túc, cái tâm với nghề...

Nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo rất lớn trong lĩnh vực BĐS nhưng hiện nay chưa nhiều cơ sở đào tạo quan tâm. Người có nhu cầu theo nghề nghiêm túc cũng không dễ dàng tìm nơi theo học. Tại TPHCM, chỉ mới một vài trường chuyên nghiệp đào tạo nhân sự BĐS như Trường CĐ Xây dựng, Trung cấp Nông nghiệp... 

Trong khi, các chuyên gia dự báo, giai đoạn phục hồi sau thị trường BĐS có hiện tượng "chạm đáy" 2020, dự báo nhu cầu nhân lực trong ngành này sẽ tăng cao trong những năm tới.