Zebra: Công nghệ tự phục vụ làm hài lòng cả người mua và người bán

Trường Thịnh

(Dân trí) - Báo cáo của Zebra Technologies cho thấy sự hài lòng của khách hàng được nâng cao khi công nghệ tự phục vụ được các nhà bán lẻ áp dụng rộng rãi.

Zebra: Công nghệ tự phục vụ làm hài lòng cả người mua và người bán - 1

Công nghệ đã và đang mang đến những tác động tích cực cho đời sống xã hội, kinh tế (Ảnh: Zebra).

Công nghệ đã và đang mang đến những tác động tích cực cho đời sống xã hội, kinh tế. Đối với doanh nghiệp, công nghệ giúp họ có được hiệu suất tối ưu. Đối với người mua, công nghệ giúp việc mua hàng trở nên thuận tiện, mang lại trải nghiệm thích thú.

Công nghệ tự phục vụ làm thay đổi cách thức mua hàng

Theo một khảo sát của Zebra Technologies, khách mua hàng cũng đã xây dựng thói quen tự phục vụ khi công nghệ "tự mình làm" (DIY) được ứng dụng ngày càng nhiều trong các cửa hàng. Điều này cũng đồng thời cho phép các nhân viên cửa hàng có thể dành nhiều thời gian hơn để cải thiện hiệu suất, trợ giúp người mua hàng.

Theo khảo sát, có tới 76% khách mua hàng trên toàn cầu (68% tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương) mong muốn được ứng dụng công nghệ tự phục vụ thay vì phương thức truyền thống. Phổ biến nhất có thể bắt gặp là các hình thức tự thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng điện thoại thông minh.

Nhìn chung, báo cáo của Zebra cho thấy khách mua hàng đã sẵn sàng cho tiến bộ công nghệ, với khoảng 8 trong số 10 khách mong đợi nhà bán lẻ sẽ cập nhật công nghệ mới nhất.

Ở chiều ngược lại, các hình thức áp dụng công nghệ tự động hóa cũng có tác động không nhỏ tới doanh nghiệp bán lẻ, khi phần lớn các doanh nghiệp này tin rằng việc thanh toán bởi nhân viên đang trở nên ít cần thiết.

Trên toàn thế giới, gần một nửa các nhà bán lẻ đang cải tạo lại hệ thống cửa hàng, chuyển đổi khu vực thanh toán truyền thống thành quầy tự phục vụ và thanh toán không tiếp xúc.

Tình hình này cũng xảy ra tương tự tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi 79% các nhà bán lẻ coi thanh toán qua nhân viên là ít cần thiết, trong khi 53% đã chuyển đổi không gian cửa hàng sang khu vực tự phục vụ và 52% cung cấp các tùy chọn không tiếp xúc.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thích ứng ra sao?

Trước xu hướng chuyển dịch chung của toàn cầu, ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch Zebra Technologies phụ trách Bán hàng ở khu vực Đông Nam Á (SEA), khẳng định rằng doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thích ứng nhanh, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

"Tôi nghĩ các doanh nghiệp nên sớm áp dụng triển khai đa kênh, cho phép khách hàng mua trực tuyến hoặc ngoại tuyến tại cửa hàng", ông Suryadarma cho biết.

Zebra: Công nghệ tự phục vụ làm hài lòng cả người mua và người bán - 2

Ông Christanto Suryadarma, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng khu vực Đông Nam Á, Zebra Technologies Châu Á Thái Bình Dương (Ảnh: Zebra).

"Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng cần phải đảm bảo hệ thống bán hàng của họ kể cả hệ thống số và trực tiếp nhằm đảm bảo chuyển tiếp hàng hóa, cũng như thông tin đến khách hàng một cách nhanh chóng để không xảy ra tình trạng hết hàng. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ sẽ cần phải đầu tư vào các giải pháp số cho dù đó là các ứng dụng được phát triển sẵn trên nền tảng web, hay nền tảng di động", vì này chia sẻ thêm.

Tình trạng hết hàng, hay kiểm soát kho hàng luôn là một trong những vấn đề "đau đầu" với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ, do chưa có hệ thống triển khai đồng bộ, cũng như đáp ứng được quá trình luân chuyển hàng hóa.

Trước thực tế này, ông George Pepes, Trưởng bộ phận lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe và Bán lẻ tại Zebra Technologies trích dẫn một khảo sát cho biết có tới 76% khách hàng rời cửa hàng mà không mua hàng do không còn hàng. Cùng với đó, hơn 40% bày tỏ sự thất vọng khi mặt hàng họ mong muốn bị hết hàng.

Zebra: Công nghệ tự phục vụ làm hài lòng cả người mua và người bán - 3

Ông George Pepes, Trưởng bộ phận giải pháp ngành dọc, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và bán lẻ, Zebra Technologies Châu Á Thái Bình Dương (Ảnh: Zebra).

"Nếu chúng ta vẫn sử dụng mô hình truyền thống thì sẽ không thể nào đáp ứng được nhu cầu hiện đại", ông Pepes nhấn mạnh. "Do vậy, chúng ta cần ứng dụng các công nghệ cần thiết để cung cấp hàng tồn kho theo thời gian thực trong chuỗi cung ứng cho nhân viên".

Ông cho rằng lợi thế của Việt Nam là đang có rất nhiều ứng dụng smart-banking, cũng như mật độ Internet rất là cao. Do vậy, việc bám theo các ứng dụng và xu thế trên thế giới về ứng dụng công nghệ bán lẻ là điều vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu từ thị trường. Với sự phát triển của công nghệ, các nhà bán lẻ giờ đây không cần phải đầu tư hàng triệu USD, mà chỉ cần sử dụng các giải pháp sẵn có từ thị trường trong nước với chi phí thấp, thậm chí là miễn phí.

Ông Christanto cho biết hiện Zebra Technologies đang triển khai rất nhiều giải pháp số thông qua chương trình hợp tác với các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ tại Việt Nam để giúp các đơn vị này chuyển đổi số đa kênh, ví như Omni Channel - mô hình mua sắm mới, cho phép khách hàng có thể mua sắm ở bất kỳ kênh nào trong mạng lưới bán lẻ.

Ngoài ra, các công nghệ của Zebra còn được ứng dụng rộng rãi trong 6 lĩnh vực cơ bản, bao gồm sản xuất chế tạo, bán lẻ, dịch vụ kho bãi; dịch vụ kho vận, chăm sóc y tế, giao thông vận tải.