1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Yêu cầu báo cáo vụ mì ăn liền Gấu Đỏ nghi có chất cấm ethylene oxide

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu báo cáo vụ sản phẩm mì Gấu Đỏ có chứa hàm lượng ethylene oxide (EO) không phù hợp.

Hôm 15/11, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) công bố một lô hàng mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu đỏ của nhà sản xuất/xuất khẩu Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (ASIA FOODS CORPORATION).

Qua kiểm tra tại cửa khẩu, phát hiện lô hàng có hàm lượng ethylene oxide (EO) không phù hợp tiêu chuẩn.

Đáng chú ý, hàm lượng EO được phát hiện lần này không chỉ trên gói gia vị (3,438 mg/kg) mà còn ở cả vắt mì (0,107 mg/kg).

Yêu cầu báo cáo vụ mì ăn liền Gấu Đỏ nghi có chất cấm ethylene oxide - 1

Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp báo cáo vụ phát hiện một lô hàng mì Gấu Đỏ có hàm lượng ethylene oxide không phù hợp tiêu chuẩn (Ảnh: IT).

Trước thông tin nêu trên, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương báo cáo về Bộ, thông tin các loại sản phẩm thực phẩm (tên sản phẩm, số lượng, lô sản xuất, hạn sử dụng, thị trường xuất khẩu, bản sao hồ sơ tự công bố thực phẩm kèm theo kết quả kiểm nghiệm) do công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trong năm 2022 và quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền của công ty.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện EO trong các sản phẩm mì ăn liền do công ty sản xuất, kinh doanh kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng. Yêu cầu cần được báo cáo về Bộ trước ngày 25/11.

Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng, tìm hiểu kỹ các quy định, biện pháp TBT, SPS liên quan sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.

Trước đó, một số loại mì khác của Việt Nam cũng bị cảnh báo về hàm lượng chất EO. Hồi tháng 7 năm nay, Bộ Công Thương đã vào cuộc, xác minh thông tin về việc Đức, Ba Lan, Malta gửi cảnh báo đối với loạt sản phẩm mì ăn liền, bánh phở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Ngay 1 tháng sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh thông tin một lô mì ăn liền Omachi bị tiêu hủy ở Đài Loan vì có chất ethylene oxide. Ngoài sản phẩm của Masan, một số các sản phẩm của AceCook Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp cũng bị thu hồi gồm mì tôm chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái.

Trước thông tin các sản phẩm của Việt Nam tiếp tục bị cảnh báo, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến bột nâng cao các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại.