1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Y tế, giáo dục khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng mạnh

(Dân trí) - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2016 với mức tăng 0,75% so với tháng trước, tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, CPI bình quân quý 1 năm 2016 tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước.


Nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế là một trong hai yếu tố đẩy CPI tháng 3 tăng mạnh.

Nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế là một trong hai yếu tố đẩy CPI tháng 3 tăng mạnh.

Về lạm phát cơ bản tháng 3/2016 (CPI đã loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục), theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, giảm 0,09% so với tháng 2/2016, nhưng lại tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2015. Lạm phát quý I/2016 tăng 1,76%.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, theo quy luật tiêu dùng, CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm, tuy nhiên, CPI tháng 3 năm nay lại tăng, nguyên nhân chính là do sự tăng giá của dịch vụ y tế và giáo dục tăng.

Theo đó, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 24,34%; giáo dục tăng 0,66%. Ngoài 2 nhóm hàng trên tăng thì 9 nhóm hàng và dịch vụ còn lại đều giảm. Cụ thể, nhóm hàng giao thông giảm 3,64%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,54%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,48%, may mặc và giày dép giảm 0,17%; Bưu chính viễn thông giảm 0,1%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,01%...

Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài Chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế tăng 32,9%. Đây là nguyên nhân chính góp phần làm CPI tăng 1,27%.

Ngoài y tế, lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-Cp ngày 2/10/2015 của Chính phủ, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp cũng khiến chỉ số giá nhóm ngành này tăng 0,66%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, ngoài 2 yếu tố trên tăng thì 9 nhóm hàng còn lại đều ghi nhận mức giảm do nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán đã giảm. Ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm liên tiếp cũng làm cho nhóm giao thông giảm theo.

Về nguyên nhân tăng CPI quý I/2016, theo Tổng cục Thống kê, là do các yếu tố điều hành của Chính phủ về giá dịch vụ y tế, giáo dục, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1/1/2016. Bên cạnh đó, do yếu tố thị trường, quý I trùng với thời điểm Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 tăng lên. Tuy nhiên do giá xăng dầu giảm mạnh cùng thời điểm này khiến giá dịch vụ ăn uống không tăng cao.

Nguyễn Tuyền

Y tế, giáo dục khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng mạnh - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm