1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xuất khẩu Trung Quốc lao đao, kinh tế Mỹ và EU tụt dốc trong quý đầu 2020

(Dân trí) - Kinh tế Mỹ sụt giảm 4,8% trong quý đầu của năm, trong khi tỷ lệ đó của EU là 2,7%. Tăng trưởng tại thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và thứ 3 Trung Quốc dự kiến sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn trong quý II.

Xuất khẩu Trung Quốc lao đao, kinh tế Mỹ và EU tụt dốc trong quý đầu 2020 - 1
Phố Wall gần như bị bỏ hoang khi dịch Covid-19 bùng phát, dẫn đến sự suy thoái lớn nhất của Mỹ kể từ năm 2008. Ảnh: AFP.

Dữ liệu kinh tế mới nhất do Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu công bố trong tuần này đã nhấn mạnh thách thức đối với hàng triệu nhà xuất khẩu Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên các đối tác thương mại lớn của họ.

Các nền kinh tế của cả Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu chứng kiến sự suy thoái trong quý đầu, và được cho là sẽ còn nghiêm trọng hơn trong quý II. Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ được công bố vào thứ Tư, nền kinh tế Mỹ đã sụt giảm 4,8% trong quý đầu của năm nay. Về phía Liên minh châu Âu, tỷ lệ này là 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này đã tạo ra một cú sốc nhu cầu vô cùng lớn cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, nhưng cũng là điều kiện để Bắc Kinh thử nghiệm các chính sách mới của mình trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có, đặc biệt khi phải đặt ra mục tiêu tăng trưởng hàng năm tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc diễn ra vào ngày 22/5 tới.

Năm ngoái, Mỹ và EU chiếm khoảng ⅓ tổng sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Nhưng đến năm nay, các chuyến hàng từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm 25,2% trong quý đầu, đặc biệt giảm 20,8% trong tháng 3. Doanh số bán hàng tại EU cũng giảm 16% trong ba tháng đầu năm.

Mỹ đã rơi xuống vị trí thứ 3 trong danh sách những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, sau Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) và Liên minh châu Âu, phần lớn là do tác động của cuộc chiến thương mại bắt đầu vào tháng 7/2018.

Việc giảm đơn đặt hàng từ các nước phát triển là cú sốc thứ hai với Trung Quốc nói chung và các công ty xuất khẩu nói riêng, chỉ sau dịch Covid-19. Nhiều công ty trong số đó đã phải sa thải công nhân.

Sự bùng phát của đại dịch đã khiến việc mua bán hàng hóa trên toàn cầu sụt giảm ít nhất 13% trong năm nay và có thể lên đến 32%, theo cảnh báo của Tổ chức Thương mại Thế giới. Ông Yu Chunhai, Phó trưởng khoa kinh tế của Đại học Renmin cho biết sự sụt giảm lớn trong nền kinh tế châu Âu và châu Mỹ cũng cho thấy một cuộc suy thoái toàn cầu đang đến gần.

China International Capital Corp (CICC), một ngân hàng đầu tư hàng đầu, ước tính rằng nền kinh tế Mỹ có thể thu hẹp 28% trong quý II khi phải vật lộn để cân bằng các biện pháp kiểm soát đại dịch với việc khởi động lại nền kinh tế.

CICC cũng chỉ ra rằng sự sụt giảm trong xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng lên 20% trong tháng 4, từ mức 6,6% trong tháng 3.

Bắc Kinh đã có nhiều bước đi để giảm bớt gánh nặng của các công ty, bao gồm cắt giảm thuế, hỗ trợ an sinh xã hội, chi phí tài chính và tiền thuê nhà. Trong nỗ lực mới nhất để ổn định ngành thương mại, Bộ Chính trị gồm 25 thành viên nước này đã khuyến khích các nhà xuất khẩu cố gắng bán sản phẩm của họ ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, số lượng các đơn đặt hàng trong nước hiện tại chỉ là một phần rất nhỏ so với những đơn hàng ban đầu được dành cho xuất khẩu. 

Ông Zhang Jun, chuyên gia kinh tế trưởng tại Morgan Stanley Huaxin Securities cảnh báo ngay cả khi virus đã được ngăn chặn và các nền kinh tế phát triển bắt đầu khởi động lại từ tháng 5, vẫn có nguy cơ của một cú sốc thứ ba khi các thị trường mới nổi dậy sóng. Trước những bất ổn liên quan đến sự lây lan của đại dịch, Trung Quốc cần mở rộng nhu cầu trong nước bằng cách đẩy nhanh cả các dự án cơ sở hạ tầng mới và truyền thống.

Hương Vũ

Theo South China Morning Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm