Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh

(Dân trí) - Bộ Công Thương nhận định, thị trường Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng trong năm 2017 cho xuất khẩu tôm của Việt Nam, đặc biệt là tôm sú.

Trong một báo cáo tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam vừa diễn ra tại tỉnh Cà Mau, Bộ Công thương đánh giá, Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, với sản lượng từ 600.000-650.000 tấn/năm, nhưng dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú, với sản lượng 300.000 tấn/năm.

Tôm là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam, chiếm đến 50% tổng kim ngạch. Trong 10 năm qua, xuất khẩu tôm luôn duy trì mức tăng trưởng cao, trong khi xuất khẩu các mặt hàng khác có sự trồi sụt nhất định. Nếu như năm 2005 xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 1,37 tỷ USD thì đến năm 2016 đã đạt trên 3 tỷ USD.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu tôm trên 90 thị trường, trong đó 10 thị trường lớn vẫn tăng trưởng khả quan. Trung Quốc vẫn là thị trường tăng tốt nhất (đến 24,3%) và tôm sú chiếm gần 58% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này. Ngoài ra, các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đều tăng từ 2,7% đến trên 13%.

Tuy vậy, theo Bộ Công thương, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm đến 21,4% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, đạt trên 708 triệu USD năm 2016. Song tại thị trường này, tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Bù lại, giá tôm Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ hiện cao hơn từ 1-1,2 USD/kg nên khó cạnh tranh với các đối thủ khác.

Trong khi đó, thị trường EU là thị trường lớn thứ 2, chiếm 19,2% kim ngạch xuất khẩu tôm. Theo Bộ Công Thương, nguồn cung nguyên liệu trên thế giới hạn chế, cộng với nhu cầu nhập khẩu lại tăng mạnh từ Trung Quốc đã làm giảm nguồn tôm cung cấp cho EU, tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

“Tuy nhiên, thị trường EU yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng khắt khe nên sản phẩm của Việt Nam thường bị cảnh báo về mức dư lượng kháng sinh, kim loại nặng vượt giới hạn tối đa cho phép. Chỉ trong năm 2016, số vụ cảnh báo tăng gấp 2,2 lần so cùng kỳ”, báo cáo Bộ Công Thương nêu rõ.

Với thị trường Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng trong năm 2017 cho ngành tôm của Việt Nam, đặc biệt là tôm sú. Hiện Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với một số vướng mắc do Trung Quốc chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về xuất nhập khẩu thủy sản, rủi ro trong thanh toán và thị trường không ổn định cả về lượng và giá.

Còn Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho rằng, Trung Quốc được coi là thị trường thay thế đầy tiềm năng trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống sụt giảm. Đây được coi là mảng sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trung Quốc chủ yếu là nhập khẩu tôm sú sống/tươi/đông lạnh của Việt Nam với sản phẩm này gấp 63 lần tôm sú chế biến. Với dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao của người dân Trung Quốc trong những năm gần đây, xuất khẩu tôm sang thị trường này có nhiều cơ hội tăng trưởng.

"Nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu cho chế biến và tái xuất khẩu ngày càng tăng do sản lượng tôm nuôi trong nước dự kiến giảm và theo chính sách đẩy mạnh nhập để tái xuất của nước này. Nhu cầu nhập khẩu tôm cho tiêu thụ nội địa cũng không ngừng tăng do sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu, họ thích hàng nhập khẩu hơn hàng sản xuất trong nước", báo cáo của Vasep đánh giá thị trường Trung Quốc.


Bộ Công Thương nhận định, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tăng 9% so với năm 2016. (Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương nhận định, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tăng 9% so với năm 2016. (Ảnh minh họa)

Nhận định thị trường xuất khẩu tôm năm 2017, theo Bộ Công Thương, nhiều cơ hội đặt ra cho tôm Việt Nam như mức tăng trưởng sản lượng tôm thấp hơn mức tăng trưởng của nhu cầu nên giá xuất khẩu có xu hướng tăng tại các thị trường chủ lực, tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, nhu cầu tôm sú tại các thị trường như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc,… vẫn cao. Một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam có năng lực chế biến tốt nên lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh khác ở phân khúc hàng chế biến trong bối cảnh xu hướng thị trường đang hướng tới sản phẩm chế biến.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận định, năm 2017 cũng sẽ là năm có nhiều thách thức đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam như các nước đối thủ cạnh tranh đang hồi phục và gia tăng nguồn cung với giá thành thấp hơn, làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam; rào cản kỹ thuật và thương mại tại các thị trường chủ lực vẫn đang thực hiện rất chặt chẽ đối với chất lượng tôm Việt Nam; giá thành sản xuất cao hơn so với các đối thủ khác từ 10-30%;….

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các doanh nghiệp, về cơ bản cung và cầu tôm thế giới ở trạng thái khá cân bằng, tăng ổn định từ nay tới năm 2018. Trong đó, cầu có xu hướng tăng nhiều hơn cung, dẫn tới giá tăng từ 7-8%, đây là cơ hội tốt cho việc phát triển sản xuất và xuất khẩu của tôm Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, với hoạt động xuất khẩu tôm, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, kịp thời ứng phó với việc gia tăng rào cản kỹ thuật và thương mại tại các thị trường; việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại thủy sản sẽ thực hiện theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, sát với nhu cầu doanh nghiệp và tiềm năng thị trường; tăng cường công tác truyền thông về các sản phẩm thủy sản, trong đó có tôm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.

Bộ Công Thương cũng lưu ý, trong quá trình sản xuất chế biến tôm, các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát mối nguy kim loại nặng, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu nhập về nhà máy để chế biến; cần cập nhật và chủ động kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh các lô hàng tôm xuất khẩu, đặc biệt sang Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.

Các doanh nghiệp cũng nên hướng tới thị trường nội địa và đa dạng hóa các thị trường khác như Úc, Liên minh Kinh tế Á – Âu; cần đầu tư công nghệ chế biến hàng có giá trị gia tăng cao và hạn chế xuất thô để đáp ứng nhu cầu của các thị trường cao cấp như Nhật Bản, EU.

Huỳnh Hải