Xuất khẩu tôm, cá tra “tụt dốc”, mực, cá biển vẫn tiến lên
(Dân trí) - Một số loại thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm do Việt Nam bị “dính” thẻ vàng IUU của Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều quốc gia siết chặt kiểm soát nhập khẩu.
Ngày 8/7, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 5/2019, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 3,19 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm nay sẽ đạt khoảng 3,95 tỷ USD, giảm gần 1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VASEP, xuất khẩu tôm tiếp tục giảm nhưng mức giảm ít hơn so với năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm giảm 13,6%, đạt 1,1 tỷ USD.
Trong đó, tôm chân trắng đạt 752 triệu USD, tôm sú đạt 270 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu của cả hai loại tôm này đều giảm 15%. Dự báo, xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 1,45 tỷ USD, giảm 11%.
Không chỉ có tôm, xuất khẩu cá tra cũng bắt đầu sụt giảm trong những tháng qua. Trong 5 tháng đầu năm, cá tra xuất khẩu giảm gần 1%, đạt 790 triệu USD.
Xuất khẩu cá tra cũng giảm nhẹ.
Trái ngược với việc “tụt dốc” của tôm và cá tra thì các mặt hàng hải sản xuất khẩu như cá ngừ, mực – bạch tuộc, cá biển vẫn tăng cao trong 5 tháng đầu năm.
Cụ thể, xuất khẩu cá ngừ trong 5 tháng đầu năm tăng 22%, đạt 299 triệu USD. Xuất khẩu các loại cá khác tăng 16%, đạt 627 triệu USD. Xuất khẩu mực – bạch tuộc vẫn tăng 1,7% trong 5 tháng qua, đạt 243 triệu USD.
Dự báo, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt khoảng 362 triệu USD, tăng 20%, mực - bạch tuộc đạt trên 297 triệu USD, giảm nhẹ 0,3% và cá biển tăng 15% đạt 753 triệu USD.
Xuất khẩu cá ngừ đang có đà tăng mạnh.
Đại diện VASEP cho biết, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 11% do tác động của thẻ vàng IUU. Việt Nam bị “dính” thẻ vàng IUU do việc khai thác thủy sản vi phạm về hoạt động đánh bắt, không báo cáo và không được quản lý.
Theo đại diện của VASEP, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông cũng giảm 5% vì những nước này siết chặt kiểm soát nhập khẩu về chất lượng cũng như hoạt động thương mại mậu biên. Xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng giảm 2%. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước khác vẫn tăng đáng kể.
“6 tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản sang EU có thể khả quan hơn sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Tuy nhiên, thẻ vàng IUU vẫn là mối quan ngại, việc này khiến lượng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU bị giảm sút”, đại diện VASEP nói.
Theo VASEP, dự báo xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng cuối năm sẽ hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 5% đạt trên 5 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm lên khoảng 9 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2018.
Đại Việt