1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Xuất khẩu thanh long đình trệ, Bộ trưởng Nông nghiệp về địa phương giải cứu

(Dân trí) - Trước tình trạng hàng ngàn ha thanh long có nguy cơ "ế" do dịch  virus Corona, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã về Long An để cùng với nông dân, doanh nghiệp và chính quyền bàn kế "giải cứu".

Xuất khẩu thanh long đình trệ, Bộ trưởng Nông nghiệp về địa phương giải cứu - 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thị sát vùng trồng thanh long tại Long An. 

Ngày 11/2, , Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo tỉnh Long An đã thị sát vùng trồng thanh long và các doanh nghiệp chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh Long An.

Bộ trưởng đã cùng người dân trồng thanh long tại huyện Châu Thành, Công ty Lavifood (huyện Bến Lức, chế biến thanh long xuất khẩu) và Nafoods Long An (huyện Đức Hòa, chế biến, xuất khẩu thanh long) tìm hiểu về những khó khăn tại đây để tìm giải pháp tháo gỡ.

Xuất khẩu thanh long đình trệ, Bộ trưởng Nông nghiệp về địa phương giải cứu - 2
Thanh long đang có nguy cơ "ế" vì Trung Quốc ngưng thu mua do dịch virus Corona.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, đến cuối tháng 3/2020 toàn tỉnh sẽ thu hoạch khoảng 9.209 ha thanh long, sản lượng khoảng 91.330 tấn. Tuy vậy, do dịch bệnh Corona bùng phát nên việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long đang gặp nhiều khó khăn. Sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 01/2020 đến nay khoảng 30.000 tấn, trong đó tồn trong kho lạnh khoảng 2.000 tấn (thời gian bảo quản trong kho lạnh không quá 30 ngày), sản lượng chưa thu hoạch khoảng 28.000 tấn.

Xuất khẩu thanh long đình trệ, Bộ trưởng Nông nghiệp về địa phương giải cứu - 3
Bộ trưởng thị sát từng khâu trong quá trình chế biến thanh long.

Xuất khẩu thanh long tại Long An chủ yếu là thị trường Trung Quốc (chiếm 70 – 80%). Hiện nay, phần lớn các cơ sở thu gom, kho thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua hoặc thu mua với giá rất thấp do không xuất khẩu được, chỉ một số ít sản lượng xuất khẩu sang Campuchia, Lào hoặc xuất khẩu bằng đường biển sang một số nước Đông Nam Á. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị đình trệ nên người dân gặp rất nhiều khó khăn, chưa có phương án giải quyết.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã kêu gọi sự chung tay, đồng hành của toàn xã hội với nông dân. Đặc biệt, các kênh phân phối lớn như siêu thị, các sàn thương mại điện tử, các công ty chế biến nông sản... cần vào cuộc sớm để "giải cứu" thanh long.

Xuất khẩu thanh long đình trệ, Bộ trưởng Nông nghiệp về địa phương giải cứu - 4
Sản xuất thanh long theo chuỗi nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng giúp nông dân, doanh nghiệp phát triển bền vững.

"Long An đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, khai thác và trồng cây thanh long đúng hướng với gần 1 vạn héc ta. Tuy vậy, cần tập trung thu hút nhiều doanh nghiệp làm về công tác chế biến nông sản. Mỗi năm cả nước xuất khẩu thanh long mang lại giá trị 2 tỉ USD. Trong bối cảnh của dịch suy hô hấp Corona tác động đến thị trường xuất khẩu, tỉnh Long An cần phải biến đây thành cơ hội tốt để phát triển bền vững. Cần phải phối hợp chặt hơn nữa giữa nông dân, nhà máy và chính quyền, hình thành vùng nguyên liệu để cho chuỗi giá trị tốt", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Xuất khẩu thanh long đình trệ, Bộ trưởng Nông nghiệp về địa phương giải cứu - 5
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Long An rà soát lại quá trình trồng cây thanh long, thậm chí có thể giảm diện tích nhưng tăng năng suất, chất lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu tỉnh Long An cần tập trung tổng thể, vừa tiêu thụ nội địa, vừa cấp đông, chế biến khô để "giải cứu" thanh long khi xuất khẩu đang gặp khó khăn. Đảm bảo quy trình khép kín giữa vùng nguyên liệu, nhà máy để sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn. Đồng thời, rà soát lại việc tái cơ cấu cho phù hợp với mục tiêu xây dựng, sản xuất vùng nông thôn hiệu quả, thích ứng với biến động của thị trường. Mặt khác cũng cần nâng cao chất lượng nông sản để tăng tính cạnh tranh xuất khẩu với thị trường quốc tế.

Cũng trong ngày làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chứng kiến việc ký kết tiêu thụ thanh long giữa nông dân và công ty Lavifood. Hiện Lavifood đang triển khai mua hỗ trợ nông dân trồng thanh long mức giá 12.000 đồng/kg để chế biến các sản phẩm nước ép.

Xuất khẩu thanh long đình trệ, Bộ trưởng Nông nghiệp về địa phương giải cứu - 6
Nông dân cần tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tránh tình trạng "được giá mất mùa".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khuyên bà con nông dân nên tham gia vào các chuỗi nông nghiệp công nghệ cao. Việc này không chỉ giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp mà còn đảm bảo đầu ra cho nông dân, không bị tình trạng "được mùa mất giá". Nếu nông dân tham gia vào chuỗi nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ tránh được tình trạng khách hàng "ép" giá nông sản.

Xuân Hinh