Xuất khẩu gạo lao đao: Tái cơ cấu hay là chết? (Bài 2)
(Dân trí) - Gạo Việt đang mất dần vị thế trên trường thế giới. Lời giải duy nhất cho bài toán này là tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ và có chiến lược dài hơi, nếu không muốn đánh mất lợi thế lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp của mình.
Vì đâu nên nỗi?
Thông tin từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo từ Mỹ bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao. Từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả gạo về, với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo.
Tuy Mỹ chỉ là thị trường nhỏ trong bản đồ xuất khẩu gạo Việt Nam, với 22.084 tấn trong 8 tháng đầu năm 2016, đạt giá trị gần 12,2 triệu USD. Nhưng con số này đã giảm mạnh so với mức 33.000 tấn và 18,7 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự với các thị trường khác như Trung Quốc, vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 36% thị phần, đã giảm 21,6% về khối lượng và giảm 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thi ̣trường truyền thống khác cũng giảm mạnh là Philippines (giảm 66,4%), Malaysia (54,5%), Singapore (36,3%)…
Đáng quan ngại là không chỉ giảm về lượng, giá trị xuất khẩu gạo cũng đang giảm. Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất đi chỉ tầm hơn 370 USD/tấn trong khi giá gạo Ấn Độ là 380 USD/tấn hay giá gạo Campuchia là 460 USD/tấn.
Ông Mr. Rustom Mistry, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Bühler Vietnam đánh giá: “Thế mạnh của Gạo Việt đã được chứng thực từ lâu. Chất lượng gạo Việt tốt nhưng quy trình sản xuất chưa tối ưu nên năng suất vẫn thấp so với các quốc gia khác. Chính vì quy trình chế biến chưa tốt nên mới có hiện tượng gạo có nhiều tạp chất, cặn, bụi… Quy trình sấy gạo ở Việt Nam cũng chưa tốt nên gạo cũng chưa đạt độ ẩm nhất định, dễ hư hỏng”.
Theo vị này, trong bối cảnh nhiều thách thức như thế, doanh nghiệp (DN) buộc phải thay đổi. Người dùng hiện nay đòi hỏi về vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn, sản phẩm phải minh bạch thông tin, rõ ràng nguồn gốc… Chỉ có thay đổi, thích ứng thì DN sản xuất gạo mới có thể tiếp tục trụ hạng.
Ván bài tái cơ cấu
Năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều nội dung, giải pháp chi tiết để nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh lúa gạo. Trong đó, chú ý đến việc trang bị công nghệ sản xuất mới.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, việc chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm từ lúa gạo hiện nay vẫn mang tính truyền thống, chưa có nhiều sản phẩm với công nghệ mới, chất lượng và giá trị cao. “Công nghệ là chìa khóa để tạo bước phát triển đột phá cho ngành gạo Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Được, phó chủ tịch tỉnh Long An nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Lương Trung Hiếu, Tổng Giám đốc nhà máy Bühler Việt Nam cho biết, nếu ứng dụng công nghệ, dây chuyền chế biến tốt, DN có thể tiết kiệm 25% năng lượng, cải thiện tỉ lệ thất thoát 5%. “Nếu đầu tư một dây chuyền công nghệ sản xuất lúa gạo hoàn chỉnh, DN có thể tiết kiệm 2 đến 3 triệu đồng/tấn gạo”. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của DN là giá. Bởi, so với công nghệ hiện tại trong nước, giá các dây chuyền tiên tiến cao hơn khoảng 4 lần.
Cuối tháng 9/2016, nhà máy sản xuất thiết bị chế biến lúa gạo của Bühler đi vào hoạt động với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 70%. Nhờ tận dụng lợi thế nhân công, nguyên liệu… tại Việt Nam, những dây chuyền này chỉ cao hơn tầm 30% đến 50% so với các giải pháp nội địa. Theo đánh giá của ông Hiếu, với 5.000 DN đang tham gia thị trường, nhu cầu thiết bị chế biến gạo tại Việt Nam lên đến 10.000 dây chuyền, ứng với số nhà máy. Đây là thị trường khá tiềm năng cho những đơn vị cung cấp giải pháp, thiết bị chế biến lúa gạo.
Không dừng lại ở việc hiện đại hóa khâu chế biến, bảo quản… ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, đối với thị trường xuất khẩu, ngành gạo cũng cần thực hiện một số giải pháp như quy hoạch vùng trồng lúa xuất khẩu chính ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với nông dân. Đồng thời, chuyển từ buôn bán tiểu ngạch sang chính ngạch với các nước chung biên giới, xây dựng kho ngoại quan tại các thị trường chủ lực…”Quan trọng là cũng cần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị cho sản phẩm gạo Việt Nam”, ông Hồ nói.
Phương Quyên