Gạo Việt - Niềm tự hào bị trả về và chuyện thừa lượng, thiếu chất!

(Dân trí) - Trong khi thế giới đang chuộng những loại gạo phẩm chất tốt, gạo sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP thì người nông dân Việt Nam vẫn sử dụng phương thức cũ, cách làm nông nghiệp cũ. Điều đó đang hủy hoại và làm mòn đi giá trị hạt gạo, một niềm tự hào của nông nghiệp và xuất khẩu Việt Nam.

Đây là khẳng định của một số diễn giả tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp nông nghiệp vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp GAP cho rằng, là một nước nông nghiệp và cũng là nước nằm trong top đầu xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng chất lượng gạo Việt Nam kém, cộng thêm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư quá mức cho phép làm cho gạo thơm Việt Nam xuất khẩu với giá thấp và chỉ xuất được nhiều qua các thị trường dễ tính như Trung Quốc, Hồng Kông…


Gạo Việt ngày càng bị cạnh tranh về mọi phương diện, nhưng chính quy hoạch phát triển ngành và định hướng phát triển của ngành này đang bị thách thức cực lớn

Gạo Việt ngày càng bị cạnh tranh về mọi phương diện, nhưng chính quy hoạch phát triển ngành và định hướng phát triển của ngành này đang bị thách thức cực lớn

Cùng một giống lúa ở Nhật nhưng khi trồng tại Nhật thì chất lượng gạo tốt hơn, thơm dẻo hơn, nhưng khi trồng tại Việt Nam thì gạo ngày càng có chất lượng kém hơn. Nguyên nhân là do nông dân Việt Nam sử dụng chất hóa học quá nhiều, cụ thể phân đạm để tăng năng suất lúa.

Theo bà Tú Anh, ngành trồng lúa tại Việt Nam đang bị báo động bởi việc người nông dân trồng lúa đang lạm dụng các thuốc trừ sâu, thuốc phòng dịch bệnh. Việc này khiến tỷ lệ tồn dư thuốc trừ sâu cao trong hạt gạo, làm sói mòn chất lượng đất và giảm đa dạng sinh học. Do đó hiện ngày càng có nhiều lô hàng gạo thơm xuất khẩu qua các nước phát triển bị trả về vì dư lượng thuốc trừ sâu, chất lượng gạo không đảm bảo.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thực tế trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2016 rất nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo thơm của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có tiếng tăm qua các thị trường đã bị trả về vì bị dư lượng thuốc BVTV, phải bán trong nội địa.

Một thực tế đau lòng là giá lúa gạo Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước, lợi ích kinh tế thu được rất thấp dù xuất khẩu số lượng lớn. Tỷ lệ gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam so với gạo cấp thấp còn khiêm tốn. Gạo thơm Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Trung Quốc, Hồng Kông vì các chỉ tiêu chất lượng dễ dãi, đổi lại giá cực thấp. Trong khi, các thị trường cao cấp khác như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc được giá cao hơn nhưng đòi hỏi chỉ tiêu khắt khe về dư lượng thuốc BVTV nên các DN xuất khẩu gạo e dè khi ký hợp đồng.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, khó khăn trong xuất khẩu (XK) gạo sẽ còn tiếp diễn dài lâu. Đó là bởi cạnh tranh giữa các quốc gia XK gạo đã và đang ngày càng mạnh mẽ hơn khi một số khách hàng chính của Việt Nam cũng đã phát triển sản xuất và tự cung ứng được một phần lương thực. Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực có lợi thế cũng đã tham gia thị trường XK lúa gạo.

Theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) nhận định: Trong làm nông nghiệp hiện đại, không phải chúng ta làm ra cái gì, bán cho ai mà phải đặt lại câu hỏi: bán cho ai và phải làm như cách nào. Trong khi thế giới đang chuộng những loại gạo phẩm chất tốt, gạo sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP thì người nông dân Việt Nam vẫn sử dụng phương thức cũ, cách làm nông nghiệp cũ. Điều đó đang hủy hoại và làm mòn đi giá trị hạt gạo, một niềm tự hào của nông nghiệp và xuất khẩu Việt Nam.

Nguyễn Tuyền