Xuất khẩu gạo chỉ đủ tiền mua... phân bón!
Trong 7 tháng đầu năm 2008, cả nước nhập 2,2 triệu tấn phân bón các loại, giá trị tương đương 1,137 tỉ USD. Cũng trong khoảng thời gian này, sản lượng gạo xuất khẩu gần 2,5 triệu tấn, giá trị tương đương lượng tiền bỏ ra để mua phân bón
Theo Bộ NN-PTNT, hằng năm sản lượng phân bón VN sản xuất được chỉ đáp ứng 45% nhu cầu sử dụng trong nước, tương đương khoảng 950.000 tấn.
Điều đó đồng nghĩa lượng phân bón VN phải nhập khẩu là khoảng 2 triệu tấn (các loại), giá trị tương đương từ 1,3 - 1,5 tỉ USD.
Lượng phân bón nhập khẩu ngày càng lớn
Điều đáng lo ngại là, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Trí Ngọc, hiện ngành nông nghiệp VN đang phụ thuộc lớn vào phân bón nước ngoài, trong đó có những loại sản xuất trong nước thua trắng, phải nhập khẩu toàn bộ như kali, DAP...
Trong khi đó, năm 2008, giá dầu thế giới tăng cao khiến giá phân bón tăng kỷ lục, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2007. Ông Ngọc cho hay vụ đông xuân vừa qua, sản lượng lúa cả nước tăng 1 triệu tấn, được xem là vụ bội thu lịch sử.
Tuy nhiên, giá phân bón tăng phi mã gần như đã phủi sạch công sức của bà con nông dân. Theo Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN-PTNT) Bùi Huy Hiền, trong 7 tháng đầu năm 2008, cả nước nhập 2,2 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 1,137 tỉ USD.
Cũng trong khoảng thời gian này, sản lượng gạo xuất khẩu là gần 2,5 triệu tấn, ước đạt hơn 1 tỉ USD, tương đương với số tiền bỏ ra để nhập khẩu phân bón. Đó còn chưa kể đến chi phí nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cùng một số vật tư, nông cụ khác.
Ông Ngọc tỏ ra hết sức lo ngại về việc từ nay đến năm 2020, số lượng phân bón nhập khẩu sẽ ngày càng lớn, đặc biệt là loại phân bón có nhu cầu sử dụng ngày càng tăng như NPK.
Hiệu quả sử dụng phân bón thấp
Từ số lượng phân bón nhập khẩu và giá trị nông sản xuất khẩu cho thấy tình trạng đáng báo động là hiệu quả sử dụng phân bón ở VN tương đối thấp.
Theo ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), hiệu suất sử dụng phân bón ở nước ta chỉ được 40%, thậm chí một số vùng còn thấp hơn. Việc này không những gây nên sự lãng phí mà môi trường đất, nước (nước sản xuất, nước sinh hoạt) cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Bên cạnh đó, ông Bộ cho rằng khung pháp lý để quản lý mặt hàng phân bón còn thiếu và yếu. Mặc dù cả nước có khoảng 300 nhà máy sản xuất phân bón, hơn 20 văn phòng đại diện và hơn 30 nhà nhập khẩu nhưng về mặt pháp quy chưa đủ mạnh để quản lý, chế tài.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc phải phụ thuộc vào nguồn phân bón nước ngoài trong thời gian dài đã dẫn tới sự bị động trong sản xuất, phân bón bị ép giá và giảm chất lượng.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón đã lợi dụng lúc giá cả tăng cao đã tung ra thị trường những sản phẩm phân bón kém chất lượng gây tổn thất không nhỏ cho nông dân.
Theo Thế Dũng
Báo Người lao động