Bạc Liêu:

Xử lý tiểu thương ép giá rất khó thực hiện

(Dân trí) - Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc mua bán giữa người dân và tiểu thương được thực hiện trên cơ sở thuận mua, vừa bán. Do đó, việc xử lý tiểu thương ép giá là rất khó thực hiện. Giải quyết vấn đề này cần thực hiện thông qua các giải pháp về liên kết sản xuất, hỗ trợ thị trường, quản lý về giá.

Mới đây, tại kỳ họp lần thứ 4 – HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX, nhiều người dân bày tỏ còn nhiều lo lắng liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Trong đó, các vấn đề như trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong việc xử lý tôm tạp chất, cần có biện pháp xử lý tiểu thương ép giá nông dân, có giải pháp bình ổn giá tránh được mùa mất giá,… là những vấn đề khiến nhiều người dân trong tỉnh Bạc Liêu vẫn còn lo lắng.

Sẽ xử lý lãnh đạo địa bàn để xảy ra tôm tạp chất

Trước vấn nạn tôm bơm, chứa tạp chất vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều người dân ở thị xã Giá Rai kiến nghị tỉnh cần có văn bản chỉ đạo xử lý Chủ tịch UBND ở địa bàn đó nếu để xảy ra tình trạng này.

Trả lời người dân, ông Phan Như Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, đến nay tất cả 7 Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố (Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện -PV) đã ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo đó, các địa phương cam kết quyết liệt triển khai các biện pháp để ngăn chặn tình trạng đưa tạp chất vào tôm trên địa bàn phụ trách, với lộ trình thực hiện đến năm 2018 sẽ xử lý dứt điểm.

“Sau thời hạn này, nếu trên địa bàn mình quản lý, phụ trách vẫn còn xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố sẽ chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Phan Như Nguyện thông tin.

Trước đó, ngay sau khi ký cam kết nói trên (tháng 5/2017), có ít nhất 5 vụ tôm bơm tạp chất bị cơ quan chức năng phát hiện bắt quả tang trên địa bàn huyện Phước Long, huyện Hòa Bình và thị xã Giá Rai.

Để xảy ra tôm bơm tạp chất, sẽ xử lý trách nhiệm của lãnh đạo phụ trách địa bàn.
Để xảy ra tôm bơm tạp chất, sẽ xử lý trách nhiệm của lãnh đạo phụ trách địa bàn.

Khó xử lý tiểu thương ép giá người dân

Nhiều người dân phản ánh, trên địa bàn vẫn còn nhiều cửa hàng, cá nhân bán vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để phòng, chống, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, nhất là mặt hàng vật tư nông nghiệp.

Vừa qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra 549 vụ, phát hiện 391 vụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 5 tỷ đồng. Riêng các mặt hàng vật tư nông nghiệp, đã tiến hành lấy 50 mẫu hàng hóa để kiểm tra chất lượng; kết quả phát hiện 18/50 mẫu không đạt chất lượng (chiếm 36%), xử phạt số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ông Phan Như Nguyện cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị người dân nên mua hàng hóa tại những cơ sở có giấy phép, có uy tín để tránh mua hàng giả, kém chất lượng.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. (Ảnh minh họa)
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhiều người dân kiến nghị tỉnh có giải pháp bình ổn giá cả nông, thủy sản, tránh tình trạng được mùa mất giá, đến mức phải “giải cứu”.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đa số các sản phẩm nông, thủy sản như tôm, heo, cá sấu, trăn,… không nằm trong danh mục bình ổn giá, mà giá bán do thị trường quyết định theo quy luật cung cầu.

Do đó, để khắc phục tình trạng được mùa, mất giá, theo UBND tỉnh Bạc Liêu, vẫn là chủ động thực hiện theo quy luật của thị trường. Nhà nước rất khó và không đủ nguồn lực để can thiệp trực tiếp vào giá cả nông, thủy sản.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, giải pháp trọng tâm vẫn là sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, nông dân tham gia hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp để được cung cấp, hỗ trợ về giống, vật tư, kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, loại bỏ khâu trung gian, giảm bớt chi phí khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, các bên cùng có lợi.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào dẫn đến nguồn cung vượt nhu cầu tiêu thụ của thị trường, làm cho sản phẩm làm ra bị rớt giá.

Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, sẽ chỉ đạo ngành nông nghiệp và các ngành chức năng tăng cường theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong quá trình hợp tác, liên kết để nâng cao tính bền vững, hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng nông sản hàng hóa phải “giải cứu” như thời gan qua.

Một trong những nỗi lo của nhiều người dân Bạc Liêu là tình trạng tiểu thương khi vào mua sản phẩm bị họ ép giá, nên đề nghị tỉnh có hướng xử lý.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc mua bán giữa người dân và tiểu thương được thực hiện trên cơ sở thuận mua, vừa bán. Do đó, việc xử lý tiểu thương ép giá là rất khó thực hiện. Giải quyết vấn đề này cần thực hiện thông qua các giải pháp về liên kết sản xuất, hỗ trợ thị trường, quản lý về giá.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm