1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xử lý nợ xấu, ngân hàng phải chi thêm tiền

(Dân trí) - Kể từ ngày 1/6 tới, các tổ chức tín dụng phải tạo thêm nguồn để xử lý nợ xấu, tức là phải thêm chi phí, giảm lãi nhằm phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh vốn…

Ngân hàng phải thêm tiền để xử lý nợ xấu.
Ngân hàng phải thêm tiền để xử lý nợ xấu.

Ngày 21/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, quy định tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bổ sung cho Quyết định 493, Thông tư 18, Thông tư 15 đang áp dụng.

Điểm quan trọng nhất của Thông tư số 02 là việc bổ sung phạm vi điều chỉnh so với Quyết định 493, Thông tư 18, Thông tư 15. Theo đó, tài sản có rủi ro không chỉ là các khoản cho vay đơn thuần như hiện nay, mà được xét đến bản chất tín dụng ở nhiều khoản khác để buộc phải trích lập dự phòng rủi ro. Bởi tinh thần chung của thông tư là tăng thêm yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng trong phòng ngừa rủi ro kinh doanh vốn, tạo thêm nguồn để xử lý nợ xấu.

Cụ thể, các khoản mua và ủy thác mua trái phiếu chưa niêm yết đã chính thức được đưa vào diện phải trích lập dự phòng; cùng đó là các khoản ủy thác cấp tín dụng; tiền gửi trên liên ngân hàng (trừ tiền gửi thanh toán) và cả khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại nợ theo thời gian quá hạn để phù hợp với điều kiện thực tế. Các tổ chức tín dụng này được phân loại theo phương pháp định tính, đồng thời phân loại nợ theo phương pháp định lượng, cam kết ngoại bảng được phân loại theo định lượng có mức độ rủi ro cao hơn thì phải điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu phân loại đối với những tài sản có vi phạm vào nhóm nợ có rủi ro cao. Các tổ chức tín dụng này phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi cần thiết, làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng; xây dựng chính sách dự phòng rủi ro phù hợp với phạm vi hoạt động và tình hình thực tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng này phải cung cấp kết quả tự phân loại nợ cho Trung tâm thông tin tín dụng để Trung tâm này tổng hợp và cung cấp lại cho tổ chức tín dụng danh sách khách hàng có nhóm nợ ở mức độ rủi ro cao nhất để điều chỉnh kết quả phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Đồng thời, bổ sung quy định nguyên tắc phân loại nợ đối với khoản mua nợ, bán nợ, khoản cho vay, đầu tư theo ủy thác, các khoản nợ có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các khoản nợ vi phạm các quy định của pháp luật về cấp tín dụng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/6/2013.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm