Xử lý nợ xấu: Giải pháp từ Havard

Gần đây, sau khi ngân hàng nhà nước (NHNN) “trần tình” về con số nợ xấu thì diễn đàn về giải quyết nợ xấu đột ngột nóng lên.

Thực ra đây là vấn đề không mới và không quá bất ngờ đối với các chuyên gia, các tổ chức và cả bộ máy quản lý. Vấn đề chỉ là thời điểm công bố và con số chính xác của nợ xấu.

 

Bên cạnh nỗi lo về nợ xấu sau khi có con số chính xác được công bố, gần đây có rất nhiều chuyên gia quan tâm và tham gia hiến kế các giải pháp giải quyết bài toán hóc búa này. Từ việc thành lập công ty mua bán nợ, đến ngân hàng quản lý nợ xấu, rồi 10 nhóm giải pháp của VAFI, rối giải pháp bán bớt tài sản đảm bảo...

 

Ở bài viết này, chúng tôi cung cấp một góc nhìn khác về việc xử lý nợ xấu, được gọi là “giải pháp Harvard”, sau khi đọc và tổng hợp một số ý kiến của các giáo sư Harvard trong buổi hội thảo có tựa đề "Để hiểu cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ: Hội thảo của các chuyên gia Harvard" (“Understanding the Crisis in the Markets: A Panel of Harvard Experts).

 

Sau đây là một số giải pháp của các GS. Harvard cho cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008:

 

GS. Jay O.Light - Hiệu trưởng trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School) đồng thời là Giám đốc Công ty Quản lý Harvard (Harvard Management Company) và Blackstone Group, một công ty đầu tư cổ phần tư nhân, đã đưa ra 3 bước hành động như sau:

 

Thứ nhất: Tương tự như trong y học, bệnh nhân cần được ổn định và cầm máu, trong trường hợp này là việc bơm 700 tỷ USD vào các tổ chức tài chính đang lâm nạn.

 

Thứ hai, vấn đề cần được chẩn đoán và xử lý.

 

Và cuối cùng, hệ thống tài chính nói chung cần được phục hồi trạng thái cũ, không chỉ đơn giản dưới dạng sửa đổi những bất cập của hệ thống luật định và tiêu chuẩn của vốn, tính minh bạch và khả năng thanh khoản. Nhiệm vụ này sẽ phải mất vài năm mới hoàn thành được.

 

Trong khi đó, GS. Gregory Mankiw lại đưa ra 3 giải pháp để chọn lựa, đó là: Để cho thị trường tự giải quyết (lấy nguồn vốn từ các quỹ và cá nhân), nhà nước mua lại các tài sản và bán khi nào thị trường ổn định trở lại, hoặc là buộc các ngân hàng tự tìm nguồn vốn.

 

GS. David A.Moss nhấn mạnh đến hướng giải quyết của bộ phận công cần đi cùng với các biện pháp nhằm kiểm soát “các rủi ro đạo đức” trong hệ thống ngân hàng trong việc ngăn ngừa hiện tượng chấp nhận rủi ro bất hợp lý của các ngân hàng tái diễn trong tương lai.

 

Giải pháp nào thích hợp áp dụng cho Việt Nam?

 

Theo người viết, việc áp dụng các giải pháp cho vấn đề xử lý nợ xấu của các GS Harvard trong điều kiện Việt Nam nên gồm 3 nhóm giải pháp, tập trung vào 3 chủ thể chính của nền kinh tế: Doanh nghiệp (DN), Ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ (CP).

 

Doanh nghiệp

 

Có thể nói, giai đoạn 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 là giai đoạn thực sự khó khăn cho cộng đồng DN Việt Nam với lãi suất cao, tồn kho cao dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp đóng cửa, giải thể.

 

Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ”, khủng hoảng là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá và nhìn lại toàn bộ hoạt động của mình, thực hiện tái cấu trúc một cách mạnh mẽ để đưa doanh nghiệp vượt lên. Đó chính là cách tốt nhất để các doanh nghiệp tự cứu lấy mình đồng thời gián tiếp giúp giảm nợ xấu cho nền kinh tế.

 

Thực tế các DN Việt Nam khi khó khăn hay kêu lên các bộ, Chính phủ, thậm chí là cả Thủ tướng để phản ánh khó khăn bức xúc của mình. Nhưng đó không phải là cách hay, và thẳng thắn mà nói cũng chưa phản ánh được bản lĩnh doanh nhân Việt lắm.

 

Chúng ta hãy nhìn bài học của Nokia, RIM hay Yahoo! đang thực hiện mạnh mẽ việc tái cấu trúc, cắt giảm chi phí, đóng của nhà máy, trung tâm phân phối, bán máy bay... làm bài học. Sau đây là các bước chính thực hiện tái cấu trúc DN:

 

Thứ nhất: Thực hiện tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung vào việc cắt giảm chi phí hoạt động, những bộ phận nào hoạt động không hiệu quả cần phải sắp xếp lại, thậm chí đóng cửa.

 

Những hoạt động không mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp phải giảm thiểu một cách tối đa như lãng phí trong vận hành quy trình, năng suất lao động thấp do việc lập kế hoạch kém, lãng phí về thời gian làm việc, lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực như nguyên vật liệu, máy móc, con người.

 

Thứ hai, xem xét, đánh giá lại chiến lược (strategy) và chiến thuật (tactical), tìm ra các hướng đi mới cho doanh nghiệp của mình. Ví dụ: tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường mới, giảm giá để giải phóng hàng tồn kho, làm theo đơn hàng, rút ngắn thời gian giao hàng v.v...

 

Thứ ba, tìm các đối tác chiến lược thích hợp để đàm phán thực hiện M&A.

 

Nếu các DN thực hiện quyết liệt các giải pháp trên thì chắc chắn sẽ có một khoản tiền mặt tiết kiệm được khá lớn, góp phần giải quyết nợ xấu với ngân hàng và tiếp tục vay khoản mới để duy trì hoạt động cho DN.

 

Ngân hàng thương mại

 

Các ngân hàng cần tập trung quyết liệt vào việc thực hiện tái cấu trúc, trong đó đặc biệt chú trọng đến các giải pháp kiểm soát, quản lý rủi ro hoạt động bao gồm rủi ro hệ thống và “rủi ro về mặt đạo đức” trong hệ thống ngân hàng, ngăn ngừa hiện tượng chấp nhận rủi ro bất hợp lý của các ngân hàng tái diễn trong tương lai, như GS. Moss nêu ở trên.

 

Thực tế cho thấy, hệ quả của nợ xấu tăng cao như hiện nay có một phần nguyên nhân các NHTM đã buông lỏng quản lý rủi ro, đặc biệt là rủi ro về mặt đạo đức. Tình trạng sở hữu chéo theo ”mô hình mạng nhện”, một số NHTM là “sân sau” của các tổng công ty lớn.

 

Có một thực tế đáng buồn là trong 2 năm gần đây, tình trạng các nhân viên ngân hàng phạm pháp ngày càng gia tăng. Điều đó chứng tỏ đạo đức của một số nhân viên ngân hàng xuống cấp trầm trọng. Đó cũng là một trong những hệ quả dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

 

Việc tái cấu trúc hệ thống NHTM nhằm từng bước giảm nợ xấu và ngăn chặn tỷ lệ nợ xấu tăng trong tương lai cần tập trung một số vấn đề chính sau:

 

Rà soát, đánh giá và thiết lập hệ thống quản lý rủi ro mới để kiểm soát nợ xấu và từng bước giảm nợ xấu, nâng cao tính minh bạch của hệ thống, tiết kiệm chi phí và tái cấu trúc lại hệ thống nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.

 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về mặt đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên ngân hàng nhằm kiểm soát các rủi ro về mặt đạo đức, đồng thời ngăn chặn những khoản nợ xấu do việc chấp nhận rủi ro bất hợp lý của các nhân viên tín dụng .

 

Cải thiện tốc độ tăng trưởng tín dụng: tập trung vào năng suất và hiệu quả của bộ phận tín dụng, phát triển các sản phẩm mới mang lại lợi nhuận mới cho ngân hàng.

 

Cuối cùng vấn đề quan trọng nhất các ngân hàng cần thay đổi là thay đổi thói quen trong kinh doanh từ thụ động sang chủ động, luôn luôn có cách nghĩ mới, cách làm mới tập trung vào năng suất hiệu quả thực hiện với khách hàng là nhân tố trung tâm trong hoạt động.

 

NHNN và Chính phủ

 

NHNN nên áp dụng giải pháp thứ 2 của GS. Jay O.Light - vấn đề nợ xấu cần phải được chẩn đoán và xử lý.

 

Cụ thể, bên cạnh việc xác định chính xác tỷ lệ nợ xấu, NHNN cần phải phân loại nợ xấu theo mức độ, theo nhóm ngành, theo từng ngân hàng, theo từng doanh nghiệp một cách chi tiết và cụ thể. Trên cơ sở đó mới có hướng để xử lý tiếp theo.

 

Tóm lại, NHNN nên đóng vai trò là cầu nối và giám sát các hoạt động tái cấu trúc của DN và NHTM.

 

Cuối cùng mới cần bàn tay của Chính phủ can thiệp vào bước 2 của GS. Gregory Mankiw: Nhà nước mua lại các tài sản dưới dạng cổ phần và bán khi nào thị trường ổn định trở lại.

 

Theo đó, các bộ phận tham mưu cho Chính phủ phải phân tích rất chi tiết, minh bạch về DN nào cần được Chính phủ cứu và ngân sách dự kiến để cứu là bao nhiêu.

 

Nên chăng, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, các DN sử dụng nhiều lao động, vì nếu để các DN này phá sản sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều mặt xã hội cũng như phản ứng dây chuyền. Bài học thành công của Chính phủ Mỹ trong việc giải cứu GM Motor đáng để chúng ta tham khảo.

 

Theo người viết, nếu thành lập công ty mua bán nợ hoặc ngân hàng xử lý nợ xấu thì chi phí rất cao mà cũng không cần thiết.

 

Sao chúng ta không nhân cơ hội này thực hiện sáp nhập DATC và SCIC của Bộ Tài chính thành công ty quản lý vốn trực thuộc Chính phủ, bổ sung các chuyên gia ngân hàng vào hội đồng quản trị đặt dưới sự giám sát của ủy ban tài chính Chính phủ và Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, để thông qua công ty này mua tài sản dưới dạng cổ phần để giải quyết nợ xấu ?!

 

Theo MBA. Bùi Mạnh Thắng

Doanh Nhân SG