1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nợ xấu vẫn quá... đẹp

Tỷ lệ nợ xấu 8-10% mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố được coi là hành động dũng cảm, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, con số này vẫn quá đẹp so với thực tế.

Số nợ xấu vừa được công bố lớn gấp hai lần con số các NHTM tự báo cáo (Ảnh minh họa)
Số nợ xấu vừa được công bố lớn gấp hai lần con số các NHTM tự báo cáo (Ảnh minh họa)
 
Có lẽ đây lần đầu tiên, NHNN cởi mở về số liệu nợ xấu khi dành hẳn 30 phút để giải thích cho báo chí sự khác nhau về số liệu nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu chính thức hiện nay được cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (thuộc NHNN) xác định là 8-10%. Nếu tính cụ thể, thì tại thời điểm ngày 31/3/2012, con số này là 8,6% tổng dư nợ, tương đương hơn 202.000 tỷ đồng, gần gấp đôi số liệu mà các tổ chức tín dụng báo cáo (4,47%, tức 117.000 tỷ đồng). NHNN còn cho rằng, tình hình nợ xấu hiện không thật đáng lo, bởi 84,16% nợ xấu được đảm bảo bằng tài sản, trong khi tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng 134,8% tổng nợ xấu.

Khá cụ thể, nhưng những con số này chưa hoàn toàn sát với thực tế. Lý do là, tài sản đảm bảo nói trên đa phần bằng bất động sản, vì vậy, trong bối cảnh bất động sản hiện rớt giá 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái, thì khó có thể tin con số 134,8% là chính xác.

Theo cơ quan thanh tra, giám sát, một nguyên nhân khiến số liệu nợ xấu “trăm hoa đua nở” là do tiêu chí xác định nợ xấu bao hàm cả yếu tố định tính lẫn định lượng, dẫn tới tình trạng một số ngân hàng tùy tiện trong phân loại nợ xấu. Cơ quan này cũng cho rằng, thế giới hiện không có chuẩn mực về phân loại nợ, mỗi nước sử dụng một hệ thống phân loại nợ khác nhau, phù hợp với tình hình kinh tế của họ.

Tuy nhiên, đây dường như chỉ là cách biện minh cho việc làm đẹp nợ xấu nhiều năm qua của các tổ chức tín dụng. Thực tế, dù thế giới không có chuẩn chung về phân loại nợ xấu, song đã có thông lệ quốc tế phổ biến về phân loại nợ. Minh chứng là từ lâu, đa phần các nước trên thế giới đã áp dụng chuẩn mực của Hiệp ước Basel II về quản lý rủi ro, đang chuẩn bị áp dụng Basel III, trong khi đó mới có một số ít ngân hàng ở Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn Basel II.

Với một nước có ngành ngân hàng mới mở cửa, hội nhập như Việt Nam, việc áp dụng ngay các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro là không dễ, vì điều này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và chi phí cao. Mặc dù vậy, trong điều kiện hiện nay, đây là đòi hỏi cấp bách. Các cơ quan quản lý không thể mãi o bế một số ngân hàng thương mại, lấy lý do các ngân hàng này còn non kém mà nương nhẹ việc áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế, dẫn đến rủi ro của toàn hệ thống.

Thấy rõ hệ lụy của sự nương nhẹ này, NHNN dự kiến ban hành thông tư hướng dẫn mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro vào tháng 8 tới. Dư luận trông chờ thông tư mới sẽ chặn được tình trạng ngân hàng tùy tiện trong phân loại nợ, với mục đích “giấu” nợ xấu để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Song cũng phải thừa nhận thực tế rằng, một khi bức tranh nợ xấu chưa được làm rõ, thì mọi phương án xử lý đưa ra đều chưa có đầy đủ căn cứ. Ngoài ra, dù có hay không thành lập công ty mua bán nợ xấu, thì nguồn lực chính để xử lý nợ xấu vẫn phải huy động từ các ngân hàng thương mại.
 
Theo Thùy Liên
Đầu tư